Đơn khởi kiện vụ án hành chính - Hủy quyết định phê duyệt phương án bồi thường

Thứ Wed,
11/07/2018
Đăng bởi Admin

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

------------------

                                                  

ĐƠN KHỞI KIỆN VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

(V/v yêu cầu hủy Quyết định 3096/QĐ-UBND ngày 24/4/2015 và Quyết định 5608/QĐ-UBND ngày 30/6/2015 của UBND quận H)

               

                 Kính gửi: Toà án nhân dân ...........................

                                                                          

Họ và tên người khởi kiện:

 

.................................., sinh năm ...................

 

Địa chỉ: ..................................................................................

 

Họ và tên người bị kiện:

 

Ủy ban nhân dân quận H

 

Địa chỉ: ............................................................................................

 

Họ và tên người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

 

  1. Bà ..........................., sinh năm 1937;
  2. Chị .........................., sinh năm 1972;
  3. Chị .........................., sinh năm 1970;
  4. Anh ........................., sinh năm 1963;
  5. Cháu ........................., sinh năm 1990;
  6. Cháu ........................., sinh năm 1997;

 

Cùng trú tại: .........................................., quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

 

NỘI DUNG VỤ KIỆN

Ngày 24/4/2015, Ủy ban nhân dân quận H ban hành Quyết định số 3096/QĐ-UBND Về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ............................(Phương án số 666/PACT-GPMB ngày 22/4/2015) với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ cho diện tích đất thu hồi của gia đình tôi là: 358.300.740 đồng.

 

Ngày 30/6/2015, Ủy ban nhân dân quận H ban hành Quyết định số 5608/QĐ-UBND Về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ điều chỉnh để thực hiện ............................ (Phương án số 1160/PA-HĐ BT HT&TĐC ngày 24/6/2015) với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho diện tích thu đất thu hồi của gia đình tôi là 90.534.000 đồng.

 

Tôi không nhất trí với phương án bồi thường nêu trên vì không đúng quy định của pháp luật, làm thiệt hại lớn về kinh tế, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của gia đình tôi.

 

Tôi xin được trình bày nội dung cụ thể như sau:

 

Ngày 24/9/1989, vợ chồng tôi có mua của vợ chồng ông ....................01 căn nhà lá cùng diện tích đất có chiều ngang mặt đường Trương Định 07m, chiều dài từ đường ............... là 43m. Hai bên có lập “Giấy nhượng quyền sử dụng nhà, đất”. Giấy này không có xác nhận của chính quyền địa phương. Đến ngày 15/10/1992, hai bên tiến hành lập lại giấy tờ mua bán (“Văn tự bán nhà”) có xin xác nhận của Ủy ban nhân dân phường GB. Tuy nhiên, khi lập lại giấy tờ mua bán ngày 15/10/1992 thì ông .............. chỉ bán cho vợ chồng tôi căn nhà trên 160m2 đất. Vợ chồng tôi cũng đồng ý không thắc mắc gì.

 

Ngay sau khi mua bán, năm 1990, vợ chồng tôi phá bỏ căn nhà cũ của ông ............., xây lại lại và ở từ đó đến nay, không xảy ra tranh chấp với ai. Trong quá trình ở trên đất, hang năm gia đình tôi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Ngày 17/4/2007, gia đình tôi đã được Ủy ban nhân dân quận H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 64m2 đất/160m2 đất nêu trên. Giấy chứng nhận đứng tên vợ của tôi là bà ..................

 

Năm 2008, để thực hiện Dự án .................... Nhà nước đã thu hồi 19,1m2/160m2 đất của gia đình tôi, diện tích đất này nằm phía sau, giáp với Sông Sét, thuộc phần đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng. Trên phần đất thu hồi có nhà, sân và cây trồng của gia đình tôi.

 

Nhận thấy, đây là Dự án quan trọng, có ý nghĩa lớn tới sự phát triển của thủ đô, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của nhân dân hai bên bờ Sông Sét, nên gia đình tôi đã nghiêm chỉnh chấp hành, bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư để thực hiện Dự án được đúng tiến độ.

 

Tuy nhiên, khi lên Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với hộ gia đình tôi (Phương án số 666/PACTT-GPMB ngày 22/4/2015 về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và Phương án số 1160/PA-HĐ BT, HT & TĐC ngày 24/6/2015 về việc bồi thường, hỗ trợ về đất bổ sung), Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho gia đình tôi, cụ thể:

 

1. Bồi thường về đất:

 

Diện tích đất của gia đình tôi có nguồn gốc nhận chuyển nhượng của ông C từ năm 1989 có giấy tờ mua bán (gồm: Giấy nhượng quyền sử dụng nhà, đất ngày 24/9/1989 không có xác nhận của chính quyền và Văn tự bán nhà ngày 15/10/1992 có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường GB ngày 21/10/1992). Mặc dù, nguồn gốc đất của ông .................. là đất vườn, nhưng gia đình ông ................. đã làm nhà ở trên đất trước khi chuyển nhượng cho gia đình tôi. Sau khi nhận chuyển nhượng, gia đình tôi đã phá nhà của ông ...................., rồi xây dựng lại toàn bộ như hiện nay. Như vậy, căn cứ Giấy tờ mua bán nêu trên thì gia đình tôi thuộc trường hợp hộ gia đình có một trong các giấy tờ quy định tại điểm d) khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai, sẽ không phải nộp tiền sử dụng đất (trong hạn mức) khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

Tại khoản 3 Điều 4 Bản quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND t hành phố được Luật Đất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ giao về hạn mức giao đất; hạn mức công nhận quyền sử dụng đất; kích thước, diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội, ban hành kèm theo Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định:

 

3. Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 01/7/2004 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ mà trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất ở (hoặc thổ cư) thì diện tích đất ở được xác định như sau:

 

a) Các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên: 120 m2;

(……………..)

 

Trường hợp hộ gia đình đang sử dụng thửa đất có 05 nhân khẩu trở lên hoặc trường hợp thửa đất có nhiều hộ gia đình cùng sử dụng chung thì hạn mức công nhận đất ở quy định tại khoản 3 Điều này được cộng thêm theo nguyên tắc sau: Từ nhân khẩu thứ 05 trở lên, mỗi nhân khẩu được cộng thêm bằng 0,2 (không phẩy hai) lần hạn mức quy định tại khoản 3 Điều này, nhưng tổng diện tích đất được công nhận đất ở không vượt quá diện tích thửa đất của hộ gia đình đang sử dụng; phần diện tích đất còn lại sau khi đã xác định diện tích đất ở thì được xác định theo hiện trạng sử dụng đất.

 

Số nhân khẩu để xác định hạn mức công nhận đất ở theo nguyên tắc quy định tại khoản này là tổng số nhân khẩu của các hộ cùng sử dụng chung thửa đất; số nhân khẩu trong mỗi hộ chỉ được tính cho những người có quan hệ là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột đang ở trên thửa đất tại thời điểm nộp đủ hồ sơ hợp lệ xin cấp Giấy chứng nhận.”

 

Trên thửa đất bị thu hồi hiện có 3 hộ gia đình sinh sống với tổng số 07 nhân khẩu, nên theo quy định trên thì hạn mức công nhận đất ở của gia đình tôi không phải nộp tiền sử dụng đất khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận là: 192m2 {gồm: 120m2 hạn mức + 72m2 phần vượt từ nhân khẩu thứ 5 (0,2 x 120m2 x 3 nhân khẩu)}. Gia đình tôi mới được công nhận 61,2m2đất ở (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 17/4/2007 đứng tên bà ……………), vẫn còn 130,8m2 trong hạn mức công nhận đất ở không phải nộp tiền sử dụng. Toàn bộ diện tích đất đo đạc thực tế của gia đình tôi chỉ có 154,1m2 (gồm 61,2m2 đã được cấp giấy chứng nhận ngày 17/4/2007 và 92,9m2 chưa được cấp giấy chứng nhận) nằm hoàn toàn trong hạn mức mà gia đình tôi được cấp giấy chứng nhận không phải nộp tiền sử dụng.

 

Tuy nhiên, tại Phương án số 666/PACTT-GPMB và Phương án số 1160/PA-HĐ BT, HT & TĐC, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ & tái định cư lại trừ 50% giá trị đất của gia đình tôi với lý do gia đình tôi phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước là không đúng với các quy định nêu trên. Tại Quyết định số 3096/QĐ-UBND ngày 24/4/2015 và số 5608/QĐ-UBND ngày 30/6/2015, Ủy ban nhân dân quận H lại phê duyệt, chấp nhận các Phương án bồi thường, bổ sung nêu trên là xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của gia đình tôi.

 

2. Về khoản hỗ trợ ổn định đời sống khi thu hồi đất:

 

Như đã trình bày ở trên hiện tại trên thửa đất bị thu hồi có 03 hộ gia đình sinh sống với tổng cộng 07 nhân khẩu, nhưng trong Phương án bồi thường, hỗ trợ lại chỉ hỗ trợ ổn định đời sống khi thu hồi đất cho gia đình tôi với 03 nhân khẩu là không đúng, thiệt hại cho gia đình tôi. Tại Quyết định số 3096/QĐ-UBND ngày 24/4/2015, Ủy ban nhân dân quận H đồng ý phê duyệt Phương án bồi thường với mức hỗ trợ như vậy là không đúng quy định, xâm phạm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hộ gia đình tôi.

 

Sau khi nhận được Quyết định phê duyệt Phương án bồi thường nêu trên, gia đình tôi đã có đơn khiếu nại gửi Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai để đề nghị xem xét. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai đã không xem xét kỹ các quy định của pháp luật để giải quyết khiếu nại của tôi mà vẫn giữ nguyên nội dung được phê duyệt tại Quyết định số 3096/QĐ-UBND ngày 24/4/2015 và Quyết định 5608/QĐ-UBND ngày 30/6/2015 là không đúng quy định.

 

Vậy, bằng đơn khởi kiện này, tôi kính đề nghị Tòa án nhân dân quận H xử hủy Quyết định 3096/QĐ-UBND ngày 24/4/2015, Quyết định 5608/QĐ-UBND ngày 30/6/2015 của Ủy ban nhân dân quận H; buộc Ủy ban nhân dân quận H xem xét lại yêu cầu của tôi theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho gia đình tôi.  

 

Tôi xin chân thành cảm ơn.

Hà Nội, ngày    tháng     năm 


Tài liệu kèm theo:                                                                                                                                                        Người làm đơn