Tòa án nhân dân tối cao giải đáp vướng mắc liên quan đến nhà, đất - phần II: Hành chính

Thứ Thu,
04/04/2019
Đăng bởi Admin

 Về tố tụng hành chính:

Trong vụ án hành chính, một thành viên hộ gia đình khởi kiện quyết định hành chính thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hộ gia đình thì Tòa án có phải đưa các thành viên khác của hộ gia đình tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hay không?

==========================================================================================

 

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính thì: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án nhân dân chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”;

Theo quy định tại khoản 29 Điều 3 của Luật Đất đai thì: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Do đó, khi xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính liên quan đến quyền sử dụng đất của hộ gia đình thì Tòa án phải đưa các thành viên còn lại của hộ gia đình tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Để ban hành quyết định hành chính thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã căn cứ trên cở sở ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện (tại một số công văn, báo cáo…). Trường hợp quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bị khởi kiện thì Tòa án có phải đưa Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không?

Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính thì: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án nhân dân chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”;

Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Luật Khiếu nại thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 203 của Luật Đất đai thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 193 của Luật Tố tụng hành chính thì:

“1. Hội đồng xét xử xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính… quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan.

Hội đồng xét xử có quyền quyết định:

…b) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có)…”

Theo các quy định nêu trên thì khi xem xét yêu cầu khởi kiện mà Tòa án phải xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính có liên quan do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành, thì phải đưa Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Đối với trường hợp này, các văn bản hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành (công văn, báo cáo…) không phải là quyết định hành chính có liên quan nên Tòa án không đưa Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Tại phiên tòa sơ thẩm, nếu người bị kiện sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính bị khiếu kiện nhưng người khởi kiện không rút đơn khởi kiện thì Tòa án xử bác đơn khởi kiện do đối tượng khởi kiện không còn có đúng không?

Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, người bị kiện có quyền sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính theo quy định tại khoản 4 Điều 57 của Luật Tố tụng hành chính.

Trường hợp tại phiên tòa sơ thẩm, người bị kiện cam kết sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ quyết định bị khởi kiện và người khởi kiện cam kết rút đơn khởi kiện thì Tòa án căn cứ vào Điều 187 của Luật Tố tụng hành chính để tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa mà người bị kiện ban hành quyết định hành chính mới, người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Trường hợp tại phiên tòa sơ thẩm, người bị kiện xuất trình quyết định hành chính mới sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ quyết định bị khởi kiện mà người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Nếu người khởi kiện không rút đơn khởi kiện thì Toà án phải tiếp tục xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính bị khởi kiện và quyết định hành chính mới. Trong trường hợp này, Tòa án căn cứ vào khoản 2 Điều 193 của Luật Tố tụng hành chính để tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà bác yêu cầu khởi kiện nếu yêu cầu đó không có căn cứ pháp luật hoặc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện nếu quyết định hành chính bị khởi kiện, quyết định hành chính mới trái pháp luật. Trường hợp quyết định hành chính mới có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì phải  tạm ngừng phiên tòa để đưa cơ quan, tổ chức, cá nhân đó tham gia tố tụng với  tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và giải quyết vụ án theo thủ     tục chung.

Trong vụ án hành chính đã có quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, nhưng người khởi kiện chỉ khởi kiện đối với quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Vậy xác định thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là của Tòa án nhân dân cấp huyện hay Tòa án nhân dân cấp tỉnh?

Theo quy định của Điều 193 của Luật Tố tụng hành chính thì khi giải quyết vụ án hành chính, Hội đồng xét xử có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 32 của Luật Tố tụng hành chính thì Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.

Trong trường hợp này, Tòa án phải xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp xã và quyết định giải quyết khiếu nại Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Trong điều kiện hiện nay, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh đang bị áp lực lớn về công việc, để tránh việc chuyển quá nhiều vụ án hành chính lên Tòa án nhân dân cấp tỉnh và phù hợp với các quy định của pháp luật thì trong trường hợp này Tòa án nhân dân cấp huyện vẫn thụ lý, xem xét giải quyết vụ án hành chính. Trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trái pháp luật và phải hủy quyết định hành chính này mới bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Tòa án nhân dân cấp huyện đang thụ lý, giải quyết vụ án đình chỉ việc xét xử và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đúng pháp luật, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và không phải hủy quyết định hành chính này thì Tòa án nhân dân cấp huyện đang thụ lý, xem xét tiếp tục giải quyết vụ án.

Việc chỉnh lý bản đồ địa chính cấp xã có là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không? Nếu thuộc đối tượng khởi kiện thì xác định người bị kiện trong trường hợp này là ai?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 22 và khoản 3 Điều 31 của Luật Đất đai thì việc khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính thuộc nội dung quản lý nhà nước về đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT quy định về bản đồ địa chính ngày 19-05-2014 và điểm e khoản 5 Điều 2 của Thông tư liên tịch số 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV ngày 28-8-2014 hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thì Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trong việc lập, chỉnh lý và ký duyệt nghiệm thu bản đồ địa chính.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên thì bản đồ địa chính cấp xã được xác định là quyết định hành chính, nếu việc chỉnh lý bản đồ địa chính cấp xã thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính thì là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Việc lập, chỉnh lý, ký duyệt bản đồ địa chính do Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc do cơ quan, tổ chức khác thực hiện thì người bị kiện được xác định là cơ quan, tổ chức đã thực hiện việc lập, chỉnh lý, ký duyệt bản đồ địa chính mà người khởi kiện cho rằng việc chỉnh lý đó xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định tại khoản 9 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính.

Trên đây là kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao thông báo để các Tòa án nghiên cứu, tham khảo trong quá trình giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền.

 

 

Ý kiến của bạn