Hỏi:
Mong Luật sư giúp gia đình tôi việc này với ạ.
Tôi tên là Phạm Văn Hà 50 tuổi ở Đông Anh - Hà Nội.
Năm 2012, cháu ruột của tôi (con anh trai tôi) có kêu cần tiền để bổ sung vốn kinh doanh và đề nghị mượn sổ đỏ của gia đình tôi để giải quyết trong thời hạn 12 tháng. Do không hiểu biết nên tôi đã nói với vợ và đồng ý cho cháu mượn sổ đỏ. Hết thời hạn 12 tháng không thấy cháu trả sổ, tôi có hỏi thì được cháu giải thích công việc đang thuận lợi nên mượn thêm 1 thời gian nữa. Tin tưởng cháu nên tôi không có ý kiến gì.
Bất ngờ tháng 7/2017 tôi nhận được thông báo của Ngân hàng yêu cầu vợ chồng tôi bàn giao nhà để Ngân hàng xử lý thu hồi nợ. Lúc này vợ chồng tôi thấy hoang mang vô cùng và có tìm cháu tôi để hỏi cho ra lẽ thì nó thú nhận là đã đem sổ đỏ nhà tôi đi thế chấp ngân hàng vay tiền. Nay không trả được nợ ngân hàng nên Ngân hàng mới làm như vậy.
Vậy xin hỏi Luật sư là chúng tôi phải làm gì để giữ lại nhà đất của mình.
Tôi rất mong sớm nhận được sự tư vấn, hướng dẫn của Luật sư. Xin chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Do anh chưa nêu đầy đủ thông tin nên chúng tôi không thể tư vấn được cụ thể, chính xác. Tuy nhiên, trên cơ sở nội dung anh nêu, chúng tôi xin tư vấn sơ bộ để anh tham khảo như sau:
Theo nội dung anh trình bày có cơ sở xác định cháu của anh đã mượn sổ sau đó đem thế chấp ngân hàng để vay tiền. Đến hạn cháu bạn không trả được nợ nên Ngân hàng có thông báo xử lý nhà đất của anh để thu hồi khoản nợ. Theo quy định của pháp luật thì thủ tục thế chấp ngân hàng phải có đầy đủ chữ ký của chủ sở hữu tài sản thế chấp (là vợ chồng anh hoặc cả hộ gia đình anh).
Vì vậy,
Nếu gia đình anh khẳng định không ký giấy tờ thế chấp để đồng ý cho cháu anh dùng nhà đất đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng thì chắc chắn có sự giả mạo hồ sơ thế chấp. Trường hợp này anh hoàn toàn có thể khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền yêu cầu hủy hợp đồng thế chấp căn cứ quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015. Khi hợp đồng thế chấp bị tuyên vô hiệu thì đương nhiên Ngân hàng không thể xử lý nhà, đất của anh.
Nếu gia đình anh bị lừa ký vào các giấy tờ thì có cơ sở xác định bị lừa dối. Trường hợp này, anh có thể khởi kiện yêu cầu tuyên bố giao dịch thế cháp vô hiệu căn cứ theo Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015.
Nếu gia đình anh không bị lừa dối ký mà hoàn toàn tự nguyện ký hồ sơ thế chấp thì việc kiện hủy hợp đồng thế chấp là rất khó. Trong trường hợp này, gia đình anh phải xem xét kỹ xem hợp đồng thế chấp có vô hiệu do vi phạm về trình tự, thủ tục ký kết, vi phạm về chủ thể ký kết (ví dụ đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình nhưng chỉ có vợ chồng anh ký kết hoặc công chứng viên vi phạm quy định của Luật công chứng...) thì mới có căn cứ yêu cầu hủy hợp đồng thế chấp.
Trên thực tế có rất nhiều trường hợp như gia đình anh. Tuy nhiên, mỗi trường hợp sẽ có những tình tiết và phương thức giải quyết khác nhau. Do đó, tốt nhất anh nên tìm đến một luật sư có chuyên môn hoặc gọi ngay cho chúng tôi theo số 096 9920 558 để luật sư trực tiếp xem xét hồ sơ, hỏi rõ những vấn đề cụ thể, trên cơ sở đó sẽ tư vấn phương án tốt nhất cho gia đình anh.