Con nuôi có được hưởng thừa kế của bố mẹ nuôi hay không?

Thứ Fri,
27/07/2018
Đăng bởi Admin

Hỏi:

 

Thưa Luật sư,

 

Tôi được bố mẹ nuôi nhận nuôi từ khi 4 tuổi (năm 2002). Bố mẹ nuôi của tôi có 2 người con đẻ. Tôi ở với bố mẹ nuôi đến năm 19 tuổi thì lấy chồng và về nhà chồng ở. Hiện nay bố mẹ nuôi của tôi đều đã chết. Vậy xin Luật sư cho biết tôi có được thưa hưởng tài sản của bố mẹ nuôi tôi theo luật thừa kế không.

 

Xin cảm ơn Luật sư.

 

con nuôi được hưởng thừa kế như đối với con đẻ

 

Trả lời:

 

Câu hỏi của bạn, Luật sư nhà đất xin được trả lời như sau:

 

Tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

 

"Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

 

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi thì việc nuôi con nuôi phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền (là UBND cấp xã). Cụ thể:

 

“Điều 23. Đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế

 

1.Việc nuôi con nuôi đã phát sinh trên thực tế giữa công dân Việt Nam với nhau mà chưa đăng ký trước ngày 01 tháng 01 năm 2011, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Nuôi con nuôi, thì được đăng ký kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015 tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của cha mẹ nuôi và con nuôi.

 

2. Quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới nhận trẻ em của nước láng giềng cư trú ở khu vực biên giới của nước láng giềng làm con nuôi trước ngày 01 tháng 01 năm 2011 mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Do bạn không nói rõ việc nhận bạn làm con nuôi có được đăng ký tại UBND xã hay không nên sẽ có 2 khả năng xảy ra:

 

1. Nếu có được đăng ký thì bạn sẽ được hưởng thừa kế đối với phần di sản của bố mẹ nuôi để lại như 2 người con đẻ còn lại.

 

2. Nếu không được đăng ký thì bạn sẽ không được coi là con nuôi hợp pháp và sẽ không được hưởng thừa kế di sản của bố mẹ nuôi để lại.

 

Trên đây là giải đáp của chúng tôi về trường hợp của bạn. Trên thực tế, giải quyết tranh chấp liên quan đến xác định là con nuôi hay không vô cùng phức tạp. Do vậy, nếu có tranh chấp chúng tôi khuyên bạn nên tìm đến sự tư vấn của những luật sư có kinh nghiệm gần nơi bạn sinh sống để có hướng giải quyết tốt nhất. Nếu còn thắc mắc bạn vui lòng gọi cho Luật sư theo số 096 9920 558 hoặc qua trực tiếp văn phòng chúng tôi tại tầng 6 số 128 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội để được tư vấn miễn phí.

 

Ý kiến của bạn