TỔNG QUAN VỀ THỦ TỤC XÉT XỬ GIÁM ĐỐC THẨM TRONG VỤ ÁN NHÀ, ĐẤT

Thứ Sat,
12/06/2021
Đăng bởi Admin

Giám đốc thẩm vụ án nhà đất là gì?

Giám đốc thẩm vụ án nhà, đất là việc Tòa án có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền,
nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
c) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Như vậy, khi bản án/quyết định sơ thẩm hoặc phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, nhưng đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người liên quan) chưa thấy thỏa mãn về kết quả đó và cho rằng Tòa án đã xét xử không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ thì họ có quyền yêu cầu Tòa án cấp trên xem xét lại vụ án của họ bằng thủ tục xét xử giám đốc thẩm.

luatsunhadat

Thời hạn được quyền yêu cầu xem xét giám đốc thẩm vụ án nhà, đất là bao lâu?

Theo quy định tại Điều 327 Bộ luật Tố tụng dân sự thì trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị để xem xét kháng nghị theo thủ tục xét xử giám đốc thẩm.
Như vậy, thời hạn được quyền yêu cầu Tòa án cấp trên xem xét theo thủ tục xét xử giám đốc thẩm chỉ là 1 năm kể từ ngày bản án/quyết định có hiệu lực. Hết thời hạn này, đương sự sẽ không còn cơ hội yêu cầu xem xét lại vụ án nữa, trừ trường hợp có căn cứ để yêu cầu tái thẩm vụ án.

Đơn yêu cầu xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm cần có những nội dung gì?

Theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Tố tụng dân sự thì đơn yêu cầu giám đốc thẩm phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn đề nghị;

b) Tên, địa chỉ của người đề nghị;

c) Tên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm;

d) Lý do đề nghị, yêu cầu của người đề nghị;

đ) Người đề nghị là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người đề nghị là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức đề nghị là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.

e) Kèm theo đơn đề nghị, người đề nghị phải gửi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lựcpháp luật, tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

luatsunhadat

Đơn yêu cầu giám đốc thẩm phải gửi đến đâu?
Đơn phải được gửi đến người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, cụ thể:
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao. Điều này có nghĩa đối với những vụ án do Tòa án nhân dân cấp cao xét xử thì đơn yêu cầu giám đốc thẩm phải được gửi đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ. Điều này có nghĩa đối với những vụ án do Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện xét xử thì đơn yêu cầu giám đốc thẩm phải được gửi đến Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

Kết quả của thủ tục xét xử giám đốc thẩm là gì?

Nếu ở thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm thì kết quả đương nhiên sẽ là bản án hoặc quyết định sơ thẩm, phúc thẩm nhưng ở cấp giám đốc thẩm thì lại không đương nhiên như vậy. Ở thủ tục giám đốc thẩm, sau khi xem xét lại hồ sơ vụ án và đơn giám đốc thẩm, trường hợp thấy vụ án đã được Tòa án cấp dưới xét xử có căn cứ, đúng pháp luật thì Chánh án TAND tối cao/ Viện trưởng VKSND tối cao hoặc cấp cao sẽ ra Thông báo trả lời cho người yêu cầu là vụ án của họ đã được giải quyết đúng quy định, không có sơ sở để kháng nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, trường hợp thấy vụ án đã được xét xử không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự thì Chánh án TANDTC/Viện trưởng VKSNDTC tối cao hoặc cấp cao sẽ ban hành Quyết định kháng nghị để đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm.
Khi vụ án được đưa ra xét xử giám đốc thẩm, Hội đồng xét xử sẽ đưa ra một trong những quyết định sau:
1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
2. Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa;
3. Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm;
4. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án;
5. Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Những ai được tham gia tại phiên tòa giám đốc thẩm?

Phiên tòa giám đốc thẩm bắt buộc có sự tham gia của Viện kiểm sát cùng cấp và các thành viên trong Hội đồng xét xử. Riêng đương sự, người đại diện của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác chỉ trong trường hợp cần thiết mới được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa.

Phần lớn các vụ việc xét xử giám đốc thẩm, các đương sự đều không được tham gia khi xét xử. Do đó, để đưa ra được lý lẽ, căn cứ chứng minh những sai phạm của các tòa án cấp dưới, người có đơn yêu cầu phải phân tích, chỉ ra được tại Đơn yêu cầu giám đốc thẩm, cũng như các văn bản gửi sau này. Trên cơ sở đó, hội đồng xét xử giám đốc thẩm sẽ xem xét khi xét xử vụ án.