LÀM SAO ĐỂ ĐƯỢC THỤ LÝ ĐƠN YÊU CẦU GIÁM ĐỐC THẨM ĐỐI VỚI VỤ ÁN NHÀ ĐẤT

Thứ Sat,
12/06/2021
Đăng bởi Admin

Đơn yêu cầu giám đốc thẩm phải nộp đúng thời hạn quy định

Đối với những vụ án về dân sự nói chung và vụ án về nhà đất nói riêng thời hạn mà đương sự, người liên quan được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm là 1 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật (Điều 327 Bộ luật Tố tụng Dân sự).

Đơn yêu cầu giám đốc thẩm phải đầy đủ nội dung chính theo quy định

Đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn đề nghị;
b) Tên, địa chỉ của người đề nghị;
c) Tên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm;
d) Lý do đề nghị, yêu cầu của người đề nghị;
đ) Người đề nghị là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người đề nghị là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức đề nghị là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Kèm theo đơn đề nghị, người đề nghị phải gửi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Đơn yêu cầu giám đốc thẩm phải được gửi đến đúng người có thẩm quyền

Đơn yêu cầu giám đốc thẩm và tài liệu, chứng cứ phải được gửi đến người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật Tố tụng Dân sự, cụ thể:
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Trong giai đoạn giám đốc thẩm, trừ những trường hợp rất đặc biệt, còn lại đương sự đều không được trực tiếp làm việc với Tòa án, thẩm phán, cũng như không được tham gia khi xét xử nên sẽ không có cơ hội trình bày ý kiến, quan điểm của mình. Vì vậy, đơn khiếu nại giám đốc thẩm là phương thức gần như duy nhất để nêu ý kiến, chỉ ra những điểm sai của Tòa cấp dưới, cũng như đưa ra những căn cứ để bảo vệ quan điểm trước Tòa án. Việc soạn Đơn khiếu nại vì thế mà rất cần được đầu tư và chú trọng.