NHỮNG LƯU Ý KHI KHIẾU NẠI GIÁM ĐỐC THẨM VỤ ÁN NHÀ ĐẤT

Thứ Sat,
12/06/2021
Đăng bởi Admin

Quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ có 2 cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm. Bản án/quyết định sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị thì sẽ có hiệu lực pháp luật, bản án/quyết định phúc thẩm có hiệu lực ngay khi tuyên án và khi đã có hiệu lực thì bản án/quyết định sẽ được đưa ra thi hành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều bản án/quyết định dù đã có hiệu lực nhưng vẫn có những sai sót, sai phạm làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan. Để khắc phục, hạn chế những sai sót này, luật có quy định về thủ tục đặc biệt xem xét lại bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật - đó là thủ tục giám đốc thẩm.

Giám đốc thẩm theo quy định tại Điều 325 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015) (BLTTDS 2015 là việc xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị theo quy định của pháp luật.

Phần lớn các vụ án về nhà, đất đều có giá trị lớn, tính chất phức tạp nên một trong các bên (người khiếu nại) thường thực hiện khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm khi bản án/quyết định đã có hiệu lực. Tuy nhiên, việc bản án/quyết định có được chấp nhận kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hay không thì không hề đơn giản. Để được Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm thì người khiếu nại phải nộp đơn khiếu nại trong thời hạn, nội dung đơn khiếu nại phải phân tích, chỉ ra được những sai sót, vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm/phúc thẩm; xuất trình được những tài liệu, chứng cứ chứng minh cho những lập luận, phân tích tại đơn khiếu nại.

Dưới đây là một vài lưu ý khi thực hiện thủ tục khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm đối với những vụ án liên quan đến nhà đất mà người khiếu nại phải biết nếu muốn được kháng nghị giám đốc thẩm:

Về thời hạn nộp đơn khiếu nại giám đốc thẩm

Theo quy định tại khoản 1 Điều 327 BLTTDS 2015 thì: Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
 
Như vậy, nếu không đồng ý với bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì người khiếu nại (là một trong các đương sự) phải nộp đơn khiếu nại trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật. Nếu quá thời hạn 01 năm người khiếu nại mới có đơn thì sẽ không được người có thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
 
Trường hợp hết thời hạn 01 năm mà người khiếu nại chưa nộp đơn khiếu nại thì chỉ có thể nộp đơn trình bày, phân tích, phản án về những vi phạm pháp luật trong bản án/quyết định đã có hiệu lực tới Tòa án, Viện kiểm sát hoặc cá nhân, tổ chức liên quan để họ có kiến nghị đến người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm. Tuy nhiên, do thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm chỉ là 03 năm kể từ ngày bản án/quyết định có hiệu lực theo quy định tại khoản 1 Điều 334 BLTTDS 2015 nên đơn phản ánh, trình bày của đương sự, cũng như kiến nghị của Tòa án, Viện kiểm sát, cá nhân, tổ chức liên quan cũng phải nộp trong thời hạn 03 năm này. 

Về thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm

Theo quy định tại Điều 331 BLTTDS 2015 thì người có thẩm quyền kháng nghị gồm: 
 
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
 
Do đó, đơn khiếu nại của đương sự phải được gửi đến đúng người có thẩm quyền kháng nghị là: Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (phải lưu ý đến thẩm quyền 3 nơi: tại Hà Nội, tại Đà Nẵng, tại Hồ Chí Minh), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Về đơn khiếu nại giám đốc thẩm:

Do giám đốc thẩm là một trình tự tố tụng đặc biệt nên phiên tòa giám đốc thẩm sẽ chỉ có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát và các thành viên trong hội đồng xét xử, mà không có sự tham gia của các đương sự, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đương sự (trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật) nên đương sự cũng như người bảo vệ quyền lợi của đương sự sẽ không có cơ hội để trình bày, phân tích, chỉ ra những sai phạm của Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm trước Hội đồng xét xử giám đốc thẩm. Do đó, toàn bộ những phân tích, lập luận phải được thể hiện hết trong nội dung đơn khiếu nại.
 
Theo quy định tại Điều 328 BLTTDS 2015 thì đơn khiếu nại giám đốc thẩm phải có các nội dung chính sau:
 
-  Ngày, tháng, năm làm đơn đề nghị;
- Tên, địa chỉ của người đề nghị;
- Tên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm;
- Lý do đề nghị, yêu cầu của người đề nghị;
- Người đề nghị là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người đề nghị là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức đề nghị là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.
 
Kèm theo đơn đề nghị, người đề nghị phải gửi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
 
Để chỉ ra được những lý do đề nghị được xem xét giám đốc thẩm, người khiếu nại phải biết phân tích, chỉ ra những sai phạm về cả tố tụng và nội dung của Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm, chỉ ra được những vi phạm của Tòa án cấp dưới đã xâm phạm đến quyền và lợi ích của họ như thế nào, phân tích những chứng cứ, tài liệu để bảo vệ cho lập luận của mình là có căn cứ. Để đơn khiếu nại cũng như việc chuẩn bị hồ sơ gửi kèm đơn khiếu nại được tốt nhất, tạo điều kiện được xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, người khiếu nại nên tư vấn luật sư hoặc nhờ luật sư nghiên cứu hồ sơ và hỗ trợ soạn thảo đơn được đầy đủ, chặt chẽ, sắc bén.
 
Chúng tôi, với kinh nghiệm gần 20 năm chuyên giải quyết tranh chấp về nhà, đất và đã từng hướng dẫn, hỗ trợ thành công cho nhiều khách hàng trong giai đoạn giám đốc thẩm sẽ tư vấn và hỗ trợ tốt nhất cho Quý Khách hàng trong việc soạn thảo đơn khiếu nại, chuẩn bị hồ sơ gửi kèm đơn khiếu nại. Hãy liên hệ với luật sư theo số 096 9920 558 để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.