Rủi ro khi mua nhà bằng hợp đồng hợp tác, góp vốn

Thứ Tue,
10/07/2018
Đăng bởi Admin

Thực tế, rất nhiều dự án nhà ở chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, thậm chí chưa được triển khai, nhưng chủ đầu tư đã rao bán trên thị trường. Khi ký kết hợp đồng, các bên sẽ lách luật bằng cách ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư hay hợp đồng góp vốn…Phần lớn người mua đều tin rằng việc mua bán như vậy là hoàn toàn hợp pháp, đáng tin cậy. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố như: giá thị trường tăng, dự án không được triển khai, chậm tiến độ… hoặc đơn giản do chủ đầu tư không muôn thực hiện cam kết nữa thì mọi bất lợi đều đổ dồn vào người mua.

 

Dự án Bidhome The Garden Hill tại 99 Trần Bình, Nam Từ Liêm, Hà Nội - Nguy cơ trắng tay sau 7 năm đóng tiền:

 

Dự án 99 Trần Bình, Hà Nội

 

 

Từ năm 2010, 63 khách hàng ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nHà v à Đô thị Hà Nội về việc góp vốn đầu tư dự án chung cư tại 99 Trần Bình do Công ty TNHH Đức Phương làm chủ đầu tư. Đổi lại, khách hàng sẽ được mua căn hộ với giá trên hợp đồng góp vốn là 18,5 triệu đồng/m2. Sau khi thu tiền góp vốn của nhóm khách hàng này, Công ty Nhà và Đô thị Hà Nội mới nộp toàn bộ số tiền này cho Công ty Đức Phương.

 

Nội dung thỏa thuận hợp tác đầu tư là sau khi hoàn thành phần móng vào cuối năm 2011, khách hàng sẽ ký hợp đồng mua bán căn hộ với giá bán không thay đổi là 18,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ suốt 4 năm do thiếu vốn. Đến cuối năm 2014, Công ty Đức Phương ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng đô thị - BID Việt Nam để đầu tư xây dựng toàn bộ tòa nhà đa năng Đức Phương… Ngày 29/8/2015, Công ty Đức Phương bán cổ phần cho Công ty CP Xây dựng và Phát triển hạ tầng đô thị - BID Việt Nam nên BID Việt Nam là chủ sở hữu Công ty Đức Phương và đổi tên dự án Tòa nhà đa năng Đức Phương thành The Garden Hill Tower. Sau đó, chủ đầu tư xin điều chỉnh quy mô. Ban đầu dự án chỉ được thiết kế 11 tầng nhưng điều chỉnh dự án thành 2 tòa, một tòa 25 tầng và một tòa 29 tầng. Vì điều chỉnh thiết kế nên việc triển khai dự án càng kéo dài, khách hàng góp vốn rơi vào cảnh “mất ăn mất ngủ” vì  BID Việt Nam không cho khách hàng đã ký góp vốn trước đó được chọn căn hộ. Họ đơn phương áp mức giá 28 triệu đồng/m2 khách hàng muốn ký hợp đồng mua bán.

 

Dự án Twin Towers tại 1152 – 1154 đường Láng, Hà Nội - Quyền lợi khách hàng bị bỏ ngỏ?

 

Dự án 1152 đường Láng, Hà Nội

 

Năm 2011, MIC rao bán căn hộ dự án tại số 1152-1154 đường Láng. Khi ấy, các cán bộ, người nhà cán bộ quản lý của MIC được khuyến khích đăng ký trước để kêu gọi thêm cán bộ khác tham gia vào dự án. Do tin tưởng MIC nên từ tháng 7/2011, một số cán bộ đã nộp tiền mua nhà tại dự án với mức tiền lên tới 60-70% giá thành căn hộ dự kiến mua.

 

Tuy nhiên, sau khi khách hàng đã đóng tiền được 1 năm, dự án không triển khai được gì. Tháng 8/2012, một số người đóng tiền đã ký đơn kiến nghị MIC trả lại tiền đã nộp vào để mua nhà dự án. Sau nhiều lần có đơn kiến nghị và làm việc trực tiếp với lãnh đạo MIC cũng như Ban lãnh đạo Công ty CP Tân Phú Long, các khách hàng đã đóng tiền chỉ nhận được những lời hứa suông.

 

Quyền lợi của người mua nhà bị bỏ ngỏ khi dự án bị chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư mới. Chủ đầu tư mới bao giờ cũng xin điều chỉnh quy hoạch để tăng số lượng căn hộ. Và khi cơ quan chức năng ký điều chỉnh quy hoạch cũng không nghĩ đến quyền lợi của người mua nhà trước đó. Thế nên mới có chuyện chủ đầu tư mới “ép” khách hàng với những điều khoản mới.

 

Hiện nay, đã có nhiều đơn thư tố cáo MIC của khách hàng gửi đến cơ quan có thẩm quyền.

 

Dự án “Giãn dân phố cổ” tại khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội – Khách hàng không biết kêu đâu để lấy lại tiền?

 

7gian dan pho co c 1

Quy hoạch dự án "Giãn dân phố cổ"

 

Suốt 7 năm qua, những người dân tham gia góp vốn để xây dựng Dự án Giãn dân phố cổ liên tục “đội đơn” tới các cấp có thẩm quyền, mong có bản án công minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

 

 Ngày 14/6/2000, UBND TP Hà Nội có Công văn số 1375/UB-XDĐT, giao UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư “Dự án Giãn dân phố cổ” tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên. Thông qua các “mối quan hệ gia đình”, ông Nguyễn Đức Thắng “môi giới”  Công ty CP Phát triển Kinh tế Hà Nội (Công ty Hà Nội), do ông Nguyễn Đức Lợi, em trai ông Thắng làm Giám đốc với UBND quận Hoàn Kiếm, để được thực hiện Dự án. Ngày 5/11/2009, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ra Quyết định số 3465, giao Công ty Hà Nội thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị xây dựng dự án. Sau đó, ông Thắng tiếp tục làm “trung gian” xin UBND quận Hoàn Kiếm, để Công ty CP Vật liệu Xây dựng và Xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà), do ông Trần Ứng Thanh làm Tổng Giám đốc, được thực hiện dự án thay Công ty Hà Nội.

 

Ngày 23/8/2010, UBND quận Hoàn Kiếm ra Quyết định số 1917/QĐ-UBND, giao Công ty Hồng Hà thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng. Cùng ngày, UBND quận có Công văn số 592/QĐ-UBND-KT chấp thuận đề nghị của Công ty Hồng Hà, về việc xin hưởng một số ưu đãi trong dự án, cụ thể được mua 50 căn hộ chung cư cao tầng cho cán bộ Công ty, đồng thời đồng ý về mặt nguyên tắc, cho Công ty được sử dụng kinh doanh với tỉ lệ 15% căn hộ trên tổng số căn hộ của Dự án.

 

Sau khi có Quyết định 1917/QĐ-UBND và Công văn số 592/QĐ-UBND-KT, ông Thanh và ông Nguyễn Quốc Xương, Phó Tổng giám đốc Công ty Hồng Hà kí hợp đồng góp vốn đầu tư với khoảng 40 khách hàng, thu hơn 78,5 tỉ đồng. Như vậy, từ ngày 1/9/2010 đến ngày 28/5/2012, Công ty Hồng Hà và Công ty Hà Nội đã kí hợp đồng góp vốn, nhận tiền đặt cọc của 146 lượt khách hàng, với tổng số tiền là 169.556.200.000 đồng. Số tiền này đã sử dụng hết, không có khả năng trả lại cho khách hàng, dẫn tới việc cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Theo đó, Thanh, Thắng, Lợi, Xương phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với lần lượt 2 án chung thân, 1 án 18 năm tù và 1 án 13 năm tù và phải bồi thường cho những người đã góp vốn.

 

Với quyết định này thì coi như người dân mất trắng toàn bộ số tiền đã góp vốn vào Công ty Hồng Hà vì Thanh, Thắng, Lợi, Xương đã ngồi tù thì kể cả trường hợp họ có tiền họ cũng sẽ không trả cho người góp vốn.

 

Hiện nay, vụ án đã được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tuyên hủy phần bồi thường thiệt hại và giao xét xử sơ thẩm lại từ đầu. Người dân vui mừng khấp khởi với quyết định này. Tuy nhiên, trên  thực tế, không biết đến bao giờ họ mới có thể lấy lại tiền.

 

Do đó, trước khi quyết định mua nhà bằng hình thức hợp tác đầu tư hay góp vốn, người dân nên tìm hiểu thật kỹ vê dự án, về chủ đầu tư, cũng như về các quy định của pháp luật liên quan để không rơi vào những tình cảnh tiền mất, rước bực vào thân như những trường hợp nêu trên.