Tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hai anh em ở Bên Tre

Thứ Wed,
11/07/2018
Đăng bởi Admin

NỘI DUNG VỤ ÁN VÀ QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT

 

Diện tích đất tranh chấp là 179m2 thuộc thửa số 156 tờ bản đồ số 16 khu phố 6, thị trấn A, tỉnh Bến Tre, do ông Phạm Văn T sử dụng nhưng ông Phạm Văn H lại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 2000.

 

 

 

Ông H (Nguyên đơn) cho rằng năm 1987, ông cho ông Phạm Văn T (em của ông H và là Bị đơn) mượn khoảng 49m2 đất để cất nhà ở tạm nhưng quá trình sử dụng ông T đã lấn thêm thành 179m2, nên yêu cầu ông T dỡ nhà trả lại đất cho ông. Ông T không đồng ý với yêu cầu của ông H vì cho rằng trong 179m2 đất tranh chấp chỉ có 36m2 đất của ông H cho (có lời khai là 49m2), phần đất này ông đồng ý trả ông H; diện tích đất còn lại là của ông nên ông không đồng ý với yêu cầu của ông H.

 

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 542/2008/DS-ST ngày 17/8/2008, Tòa án nhân dân huyện BT, tỉnh Bến Tre quyết định:

 

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông T. Buộc ông T phải di dời nhà cùng tài sản trên đất để trả lại 179m2 đất thuộc thửa 156, tờ bản đồ số 01 cho ông H. Ghi nhận sự tự nguyện của ông H hỗ trợ cho ông T 5.000.000 đồng tiền di dời. Ông H phải thanh toán cho ông T tiền thổi nền nhà là 936.000 đồng và tiền 03 cây ăn trái là 210.000 đồng. Ông T được lưu cư trong vòng 06 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật để tạo dựng nơi ở mới.

 

Sau khi xét xử sơ thẩm, ông T có đơn kháng cáo.

 

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 510/2008/DS-PT ngày 11/12/2008, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre quyết định: giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

 

NHẬN ĐỊNH CỦA LUẬT SƯ

 

Ông T không đưa ra được chứng cứ chứng minh phần đất đang sử dụng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông. Trong khi đó, cụ Đ (mẹ của ông H và ông T) cho rằng trước đây ông T không có đất ở nên cụ đã khuyên ông H cho ông T mượn phần đất tranh chấp để cất nhà ở. Bà D (vợ của ông T và được ông T ủy quyền) cũng thừa nhận phần đất tranh chấp là của ông H nhưng cho rằng năm 1987, ông H đã cho vợ chồng bà 49m2 nên phần này thuộc quyền sử dụng của vợ chồng bà, số đất còn lại bà xin được trả bằng giá trị. Như vậy, có sơ sở xác định có việc ông H đồng ý để ông T sử dụng 49m2 đất.

 

Thực tế, ông T đã xây cất nhà ở từ năm 1987 nhưng ông H không có tranh chấp. Vì vậy, phải xác định ông H đã cho ông T 49m2 đất trên, nên ông T có quyền sử dụng phần đất này. Đối với phần đất còn lại, do vợ chồng ông T không có chứng cứ chứng minh là ông T có quyền sử dụng hợp pháp thì phải xác định là đất của ông H, trong đó có công sức tôn tạo, bảo quản, giữ gìn đất của gia đình ông T.

 

Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án, vợ chồng ông T đều khai là ngoài nhà đất trên ông, bà không còn nhà đất khác. Lẽ ra, trong trường hợp này, Tòa án phải xem xét nhu cầu sử dụng đất của gia đình ông T, nếu vợ chồng ông T không có đất ở nào khác thì phải công nhận ông T có quyền sử dụng 49m2 được cho, phần còn lại gia đình ông T tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán giá trị đất cho ông H (sau khi đã trừ công sức san lấp làm tăng giá trị đất của ông T) mới hợp tình, hợp lý và phù hợp với thực tế.

 

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của ông H, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông H mà không xem xét đến thực tế, điều kiện cũng như nhu cầu về nhà ở của ông T để buộc ông T di dời nhà trả đất cho ông H là không đúng, không phù hợp với thực tế.

Ý kiến của bạn