Án phúc thẩm bị hủy do chưa làm rõ tính hợp pháp của di chúc

Thứ Fri,
08/03/2019
Đăng bởi Admin

Nguyên đơn là ông Bùi Tiến T trình bày:

 

Cha ông là cụ Bùi Khắc L (chết năm 1998), mẹ ông là cụ Nguyễn Thị T (chết năm 2001). Cụ L và cụ T có 10 người con chung gồm: ông Bùi Tiến T, ông Bùi Tiến Đ (chết năm 2003), ông Bùi Tiến D, ông Bùi Tiến C, bà Bùi Thị Q2, ông Bùi Tiến H, bà Bùi Thị T, bà Bùi Thị C, bà Bùi Thị V và bà Bùi Thị S (chết năm 1992). Ngoài ra, cụ L còn có một người con riêng là bà Bùi Thị Q1.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

Di chúc hợp pháp phải đúng về nội dung và hình thức
 

 

Di sản của các cụ để lại là nhà đất tại 61B phường L, quận H, thành phố Hà Nội mang bằng khoán điền thổ số 638. Ngày 18/9/1992, hai cụ đã đến Ủy ban nhân dân phường L lập di chúc cho ông được toàn quyền sở hữu ngôi nhà này. Việc lập di chúc đã được ông Phạm Minh N, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường L ký và xác nhận.

 

Năm 1998, cha ông mất; mẹ ông vẫn ở trên ngôi nhà này. Khi đó ông là con trai trưởng đứng ra sắp xếp cho các em của ông là ông Đ, ông C và ông D chỗ ở trong nhà này.

 

Năm 2001, mẹ ông mất; nhà trên vẫn do gia đình các em của ông ở. Sau khi mẹ ông chết, ông Đ giao cho ông bản di chúc ngày 18/9/1992 có nội dung cha mẹ cho ông được toàn quyền sở hữu ngôi nhà số 61B vì ông đã bỏ tiền ra xây ngôi nhà này. Ông đã thông báo cho các em trong gia đình và vẫn để cho các em ở cho đến năm 2007, ông photo di chúc gửi cho các em của ông và yêu cầu thực hiện theo di chúc của cha mẹ để lại nhưng các em của ông không đồng ý. Từ khi mẹ ông mất các khoản thuế của ngôi nhà trên đều do ông nộp.

 

Nay ông khởi kiện đề nghị chia thừa kế theo di chúc ngày 18/9/1992 của cha mẹ ông đối với căn nhà 61B, quận H, thành phố Hà Nội; buộc gia đình các em là ông D, ông C và bà L phải chuyển đi nơi khác để trả lại nhà cho ông.

 

Bị đơn là các ông, bà: 1. Ông Bùi Tiến D trình bày: Ông là con cụ L và cụ T, ông sinh ra và lớn lên tại ngôi nhà này. Cha mẹ ông chết đúng như ông T trình bày, khi chết không để lại di chúc. Cha mẹ có 11 người con. Về tài sản: nhà gạch 2 tầng, tại 61B mua năm 1951, năm 1987 xây lại thành nhà 4 tầng như hiện nay, tiền xây nhà là do cha mẹ bỏ ra chứ không phải tiền của ông T. Năm 1988, ông Bùi Tiến C kết hôn với bà H (ly hôn năm 2006) và được cha mẹ cho ở toàn bộ tầng 3. Năm 1989, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Kim B, được cha mẹ cho ở tầng 2. Năm 1991, ông Bùi Tiến Đ kết hôn với bà Vũ Thu L được cha mẹ cho ở tầng 1 cùng cha mẹ. Tầng 4 để thờ cúng. Năm 1995, cha mẹ chia tầng 1 thành 3 phần, ông C được 8m2 , ông Đ được 9,4m2 và ông được 10m2 . Cha mẹ chuyển lên ở tầng 2 cùng vợ chồng ông Đ cho đến khi chết. Việc chia nhà cho các con chỉ nói miệng không lập thành văn bản nhưng các gia đình đã ăn riêng, ở ổn định từ đó đến nay và đã có hộ khẩu riêng. Hiện tại ông C đang sử dụng 18m2 tầng 3 và 8m2 tầng 1; ông sử dụng 17m2 tầng 3 và 10m2 tầng 1; bà L sử dụng toàn bộ tầng 2 và 9,4m2 tầng 1. Quá trình sử dụng: năm 1995, ông đã sửa chữa cửa hàng tầng 1 hết khoảng 45.000.000 đồng, sửa tầng 3 hết 60.000.000 đồng. Năm 2001, ông và ông C, ông Đ mỗi người đóng góp 10.000.000 đồng để sửa chữa lại tầng 4 của căn nhà này. Về bản di chúc ngày 18/9/1992, đến cuối năm 2007 khi xẩy ra mâu thuẫn anh em; ông T mới đưa ra cho ông biết. Ông không đồng ý với di chúc và cho rằng di chúc là giả mạo vì di chúc không có người làm chứng, không có công chứng, di chúc có tẩy xóa ở dòng thứ 9 (năm cấp chứng minh thư nhân dân), năm sinh của mẹ ông khai không đúng với sổ hộ khẩu, số chứng minh thư của mẹ ông không có trong di chúc, mẹ ông không biết chữ nên không thể ký được như thế. Nếu đúng là di chúc thật của bố mẹ thì ông sẽ di dời khỏi nhà mà không đòi hỏi gì; đề nghị được tiếp tục quản lý, sử dụng phần diện tích đang ở vì ông đã được bố mẹ chia cho từ lâu; đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T. Sau khi định giá, ông có sửa sang hết khoảng 500.000.000 - 600.000.000 đồng, ông thừa nhận có nhà tại quận B. Trường hợp Tòa án chấp nhận yêu cầu của ông T, ông không yêu cầu ông T thanh toán giá trị phần ông sửa chữa nhà tại 61B. 2. Ông Bùi Tiến C trình bày: ông thống nhất với lời trình bày của ông D. Ông bổ sung thêm quá trình sử dụng: năm 1995, ông đã cải tạo bếp tầng 1 thành 4 cửa hàng hết khoảng 20.000.000 đồng, năm 1997 sửa chữa tầng 3 hết khoảng 35.000.000 đồng. Hiện tại gia đình ông không có chỗ ở nào khác. 3. Bà Vũ Thu L trình bày: Bà kết hôn với ông Bùi Tiến Đ năm 1991, bà với ông Đ có một con chung là cháu Bùi Diệu L. Bà thống nhất với lời trình bày của ông D. Ngoài ra bà bổ sung thêm về quá trình sử dụng: năm 1995, vợ chồng bà được cha mẹ cho 9,4m2 tầng 1 cải tạo thành cửa hàng hết khoảng 20.000.000 đồng. Năm 1997, cải tạo tầng 2 làm phòng kinh doanh Karaoke hết 50.000.000 đồng. Hiện bà và con gái đang quản lý tầng 2 và 9,4m2 tầng 1. Bà có nguyện vọng được tiếp tục quản lý sử dụng các diện tích như hiện nay vì bố mẹ đã cho từ lâu và không có chỗ ở nào khác. Trong quá trình xét xử sơ thẩm ông D, ông C, bà L thống nhất không đồng ý với ý kiến của ông T trả nhà, không yêu cầu xem xét chi phí sửa chữa nhà. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm, bà L không kháng cáo và thừa nhận di chúc ngày 18/9/1992 do ông T xuất trình là đúng của cụ L và cụ T.

 

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các bà Bùi Thị C, Bùi Thị Q1, Bùi Thị T, Bùi Thị V và Bùi Thị Q2 (con cụ L, cụ T) thống nhất trình bày:

 

Về các con của cụ L và cụ T đúng như nguyên đơn và bị đơn trình bày; nhà đất tại số 61B là của cha mẹ; năm 1987 xây lại thành nhà 4 tầng như hiện nay là tiền của ông T gửi về. Trước khi cha mẹ chết có để lại di chúc ngày 18/9/1992 cho ông T toàn quyền sở hữu ngôi nhà số 61B. Nay ông T khởi kiện các bà không có ý kiến gì và đề nghị được xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Bùi Tiến H (con cụ L, cụ T): hiện đang cư trú tại Vương quốc Anh, Tòa án đã có công văn gửi Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh về việc tống đạt các văn bản tố tụng cho ông H. Đại sứ quán Việt Nam đã có Công văn số 07 ngày 30/12/2009 trả lời cho Tòa án là đã tống đạt theo địa chỉ và niêm yết công khai 03 tháng, nhưng ông H không có mặt nên không có lời khai của ông H.

 

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Bùi Thị S (con cụ L, cụ T, chết năm 1992), người thừa kế của bà S gồm chồng là ông Nguyễn Văn T và các con là chị Nguyễn Hoàng A, chị Nguyễn Mai A trình bày:

 

Ông T và chị Hoàng A không biết gì về di chúc do ông T xuất trình; gia đình ông D, ông C và bà L đã ở trên nhà đó từ lâu. Đề nghị Tòa án xét xử theo pháp luật.

 

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Bùi Diệu L (con của ông Đ, bà L) trình bày:

 

Chị sinh ra và lớn lên tại nhà số 61B, chị không biết việc ông bà nội để lại di chúc. Nay có việc khởi kiện chia thừa kế nhà 61B, chị có nguyện vọng được tiếp tục ở lại ngôi nhà này. Sau khi xét xử sơ thẩm, chị không kháng cáo và thừa nhận di chúc ngày 18/9/1992 là đúng sự thật.

 

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Kim B (vợ ông Bùi Tiến D) trình bày:

 

Bà thống nhất lời khai như ông D. Nhà ở và nhà kinh doanh ở tầng 1 có sửa chữa nhưng do chồng bà quyết định. Bà đề nghị giải quyết theo pháp luật.

 

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Bùi Hoàng Y (con ông Bùi Tiến C) trình bày:

 

Chị thống nhất với lời khai của ông C. 5 Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Trần Mai C (người thuê cửa hàng) trình bày: Bà là người thuê cửa hàng tại số 61B, sau khi thuê bà có sửa chữa cửa hàng. Bà đề nghị được tiếp tục kinh doanh, trường hợp không được thuê nữa thì bà xin được thanh toán số tiền đã đầu tư vào cửa hàng.

 

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 42/2012/DSST ngày 31/8/2012, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:

 

1, Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Bùi Tiến T xin chia thừa kế theo di chúc nhà số 61B, quận H, thành phố Hà Nội đối với ông Bùi Tiến D, ông Bùi Tiến C, bà Vũ Thu L.

 

2, Xác định nhà số 61B, quận H, thành phố Hà Nội là tài sản thuộc quyền sở hữu của vợ chồng cụ Bùi Khắc L và cụ Nguyễn Thị T.

 

3, Xác định thời điểm mở thừa kế của cụ Bùi Khắc L là ngày 23/10/1998; thời điểm mở thừa kế của cụ Nguyễn Thị T là năm 2001.

 

4, Xác định di chúc của cụ Bùi Khắc L và cụ Nguyễn Thị T lập ngày 18/9/1992 có chữ ký và chữ viết họ tên của cụ Bùi Khắc L và cụ Nguyễn Thị T và có xác nhận của chính quyền địa phương là hợp pháp. Buộc gia đình ông Bùi Tiến D phải chuyển toàn bộ tài sản về tổ 8, cụm 2, phường P, quận B, thành phố Hà Nội để trả lại diện tích mà gia đình đang sử dụng cho ông T. Ông C, bà L, chị Bùi Hoàng Y, chị Bùi Diệu L được quyền lưu cư tại nhà số 61B trong thời hạn 06 tháng kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật. Khi hết thời hạn lưu cư thì gia đình bà L, gia đình ông C phải chuyển toàn bộ tài sản đem đi để trả lại nhà cho ông T, việc kinh doanh của bà L, bà C khi hết thời hạn 06 tháng cũng phải chuyển toàn bộ tài sản đi chỗ khác để trả lại nhà cho ông T… Ghi nhận sự tự nguyện của ông D, ông C, bà L không yêu cầu ông T thanh toán số tiền các ông bà đã bỏ ra để sửa chữa nhà tại số 61B, quận H, thành phố Hà Nội…

 

Ngày 12/9/2012, ông Bùi Tiến D, ông Bùi Tiến C, bà Nguyễn Thị Kim B có đơn kháng cáo.

 

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 168/2013/DS-PT ngày 12/9/2013, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định: Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

 

Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Bùi Tiến D, ông Bùi Tiến C và bà Nguyễn Thị Kim B có đơn đề nghị giám đốc thẩm.

 

Tại Quyết định số 46/2016/KN-DS ngày 12/4/2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị Bản án dân sự phúc thẩm số 168/2013/DSPT ngày 12/9/2013 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 168/2013/DSPT ngày 12/9/2013 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao và Bản án dân sự sơ thẩm số 42/2012/DSST ngày 31/8/2012 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

 

6 Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận Kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

 

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

 

Vợ chồng cụ Bùi Khắc L (chết năm 1998) và cụ Nguyễn Thị T (chết năm 2001) có 10 người con chung gồm: ông Bùi Tiến T, ông Bùi Tiến Đ, ông Bùi Tiến D, ông Bùi Tiến C, bà Bùi Thị Q2, ông Bùi Tiến H, bà Bùi Thị T, bà Bùi Thị C, bà Bùi Thị V và bà Bùi Thị S. Ngoài ra, cụ Lâm còn có một người con riêng là bà Bùi Thị Q1. Nhà đất tại 61B, quận H, Hà Nội do hai cụ mua của ông Trần Công L và bà Hoàng Thị Đ năm 1951; văn tự đoạn mãi năm 1954. Năm 1986, hai cụ đã đăng ký tại Sở nhà đất Hà Nội quyển số 4, tờ 38, Giấy chứng nhận bằng khoán điền thổ số 638 đứng tên cụ L và cụ T. Năm 1987, hai cụ xây nhà 04 tầng như hiện nay. Như vậy, có thể khẳng định nhà 61B là tài sản sở hữu hợp pháp của vợ chồng cụ L và cụ T.

 

Ông T là con cả trong gia đình nhưng xuất cảnh từ năm 1979 sang Vương quốc Anh sinh sống. Còn ông D, ông C, ông Đ (chết năm 2003, có vợ là bà L) sinh sống với hai cụ từ nhỏ, đến khi lập gia đình riêng thì vẫn ăn ở sinh hoạt tại 61B, quận H. Thực tế, các gia đình ông D, ông C và bà L đều đã tách sổ hộ khẩu, sửa lại nhà và ở ổn định cho đến khi có tranh chấp.

 

Năm 2008, ông T xuất trình di chúc ngày 18/9/1992 và cho rằng đây là di chúc của cụ L và cụ T với nội dung cho ông toàn bộ nhà và đất tại 61B, quận H, Hà Nội, yêu cầu chia di sản thừa kế của hai cụ và buộc gia đình ông D, ông C và bà L chuyển đi nơi khác để trả lại nhà. Tuy nhiên, ông D, ông C và bà L (trước khi xét xử phúc thẩm) xác định hai cụ chết không để lại di chúc; bản di chúc ngày 18/9/1992 do ông T xuất trình là giả mạo, nên không chấp nhận yêu cầu trả lại nhà.

 

Xét về hình thức của di chúc: Di chúc ngày 18/9/1992 được lập thành văn bản, có chữ ký của cụ L, cụ T; có xác nhận của ông Phạm Minh N - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường L, được đóng dấu của Ủy ban nhân dân phường L, dán Tem lệ phí của Sở tài chính Hà Nội. Tại biên bản xác minh ngày 28/11/2011, ông N khẳng định cụ L và cụ T có đến Uỷ ban phường xin xác nhận di chúc và hai cụ đã ký vào bản di chúc trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, sau đó ông N xác nhận chữ ký của hai cụ; ông đã xem lại bản di chúc và xác nhận đúng chữ ký của ông N trong bản di chúc này.

 

Tuy nhiên, tại Kết luận giám định số 2015/C54-P5 ngày 12/8/2013, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an thì chữ ký “L” trong di chúc 18/9/1992 do ông T xuất trình với tài liệu mẫu là chữ ký “L” trong Hợp đồng đổi nhà năm 1966 (do ông T cung cấp) và chữ ký “L” trong Giấy khai sinh năm 1962 (do ông D cung cấp) là không đủ cơ sở kết luận người ký; còn chữ ký “L” trong di chúc với chữ ký “L” trong “Đơn gửi UBXDCB thành phố Hà Nội và Sở lao động thành phố Hà Nội” ngày 10/6/1988 và “Đơn gửi giám đốc công ty kiến trúc I ĐS” ngày 14/6/1988 (do ông D xuất trình) là không phải một người ký ra.

 

Do đó, chưa đủ cơ sở kết luận về chữ ký của cụ L trong di chúc do ông T xuất trình có đúng là chữ ký của cụ L hay không. 7 Ông D, ông C khai cụ T không biết chữ nên không thể ký chữ “T” như trong di chúc ngày 18/9/1992 do ông T xuất trình.

 

Ngoài ra, ông Nguyễn Trọng P (em ruột cụ T), ông Nguyễn Văn Tr (chồng bà S) cũng có lời khai về việc cụ T không biết chữ; tuy nhiên lời khai của bà C lại xác nhận cụ T đã học qua lớp xóa mù chữ.

 

Như vậy, lời khai đang có mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ. Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm phải thu thập tài liệu chứng cứ để làm rõ cụ T có biết chữ không và chữ ký của cụ T (nếu có) để giám định. Từ đó mới có căn cứ xác định chữ ký “T” trong di chúc mà ông T xuất trình có phải là chữ ký của cụ T hay không. Nếu Cụ T không biết chữ thì việc lập di chúc phải có người làm chứng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Pháp lệnh về thừa kế ngày 10/9/1990.

 

Di chúc ngày 18/9/1992 thay thế cho bản di chúc ngày 17/9/1992. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa thu thập bản di chúc ngày 17/9/1992 là thiếu sót trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ.

 

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ những vấn đề nêu trên, chỉ căn cứ vào di chúc ngày 18/9/1992 do ông T xuất trình để chấp nhận yêu cầu chia thừa kế theo di chúc đối với di sản của cụ L và cụ T; buộc gia đình ông D, ông C và bà L phải chuyển đi nơi khác để trả lại nhà là chưa đủ cơ sở.

 

Hộ gia đình ông D, ông C và bà L đã ở từ năm 1988, có sửa chữa nhà ở và sửa chữa cửa hàng ở tầng 1 của căn nhà đang tranh chấp. Lẽ ra ông D, ông C và bà L được thanh toán giá trị phần sửa chữa này, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa làm rõ ý kiến của các ông bà trên về việc có từ chối nhận phần giá trị đã sửa chữa và công sức quản lý di sản không và nếu Tòa án chấp nhận yêu cầu của ông Th thì có yêu cầu thanh toán giá trị sửa chữa và công sức hay không mà chỉ căn cứ vào việc ông D, ông C và bà L không đồng ý với yêu cầu chia thừa kế, không yêu cầu tính giá trị phần sửa chữa để không giải quyết phần tài sản đã sửa chữa và công sức của các bị đơn là chưa bảo đảm quyền lợi chính đáng của đương sự.

 

Vì các lẽ trên,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

1. Chấp nhận Kháng nghị số 46/2016/KN-DS ngày 12/4/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

 

2. Hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 168/2013/DSPT ngày 12/9/2013 của Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 42/2012/DSST ngày 30,31/8/2012 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội về vụ án “Tranh chấp chia thừa kế” giữa nguyên đơn là ông Bùi Tiến T với bị đơn là ông Bùi Tiến D, ông Bùi Tiến C, bà Vũ Thu L; 14 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác.

 

3. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.

 

Ý kiến của bạn