Vụ án về mượn nhà đất tại Thanh Oai, Hà Nội

Thứ Wed,
11/07/2018
Đăng bởi Admin

NỘI DUNG VỤ VIỆC VÀ QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT:

 

Trước năm 1985, cụ Nguyễn Thị H (chết năm 1993 là mẹ của bà A) sống trên diện tích đất 150m2 tại thôn HG, xã TH, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Từ năm 1985, cụ H liên tục đau ốm nên bà A (Nguyên đơn) đã đón ra Hà Nội ở cùng để tiện việc chữa trị bệnh. Nhà và đất tại thôn HG của cụ H, bà nhờ vợ chồng B (Bị đơn và là người trong họ) trông nom giúp. Năm 1987, vợ chồng ông B không trông hộ nữa mà muốn mua lại phần nhà đất này nhưng bà A không đồng ý bán. Sau đó, bà A đồng ý để vợ chồng ông B mượn nhà đất để sử dụng.

 

 

Ngày 10/12/1987, ông B viết “Đơn xin giao quyền nhà cửa” có nội dung cụ H giao cho ông B nhà đất nhờ trông nom hộ. Lúc này cụ H bị bệnh nằm 1 chỗ không biết gì nên bà A là con duy nhất đứng ra ký vào đơn. Sau đó, bà A cùng ông B ra xã TH xin xác nhận nhưng bà A không để ý nội dung xác nhận của xã. Bà A có nhận của vợ chồng ông B 03 chỉ vàng quy ra tiền để làm tin, khi nào bà có nhu cầu lấy lại nhà đất sẽ trả lại 03 chỉ vàng.

 

Khoảng năm 1990 – 1991, vợ chồng ông B xin phép bà phá nhà cũ của cụ H xây lại nhà mới vì nhà cũ xuống cấp nên bà A đồng ý. Năm 1993, cụ H chết, nhà đất vẫn tiếp tục để vợ chồng ông B sử dụng.

 

 

Bà A khẳng định chỉ cho vợ chồng ông B mượn nhà, đất chứ không phải bán, nay vợ chồng ông B đã phá nhà của cụ H xây dựng lại mới nên yêu cầu vợ chồng ông B tháo dỡ công trình trả lại bà A diện tích đất đã mượn.

 

Ngoài ra, cụ H còn có 02 miếng đất ruộng phần trăm giao cho vợ chồng ông B cấy, mỗi năm vợ chồng ông B trả 10kg thóc nếp. Thực tế, vợ chồng ông B mới trả thóc đến năm 1991 thì không trả nữa nên yêu cầu vợ chồng ông B trả lại bà diện tích ruộng phần trăm và số thóc còn thiếu.

 

Vợ chồng ông B thì cho rằng diện tích đất tranh chấp có nguồn gốc của cụ H (là mẹ của bà A). Năm 1987, khi đó cụ H ốm nặng không còn nhận thức được gì, bà A đã ký Giấy giao quyền nhà cửa để bán lại cho vợ chồng ông toàn bộ nhà đất của cụ H với giá 03 chỉ vàng (quy ra tiền để trả). Việc mua bán có lập thành văn bản, có xác nhận của chính quyền, nhưng do thời kỳ đó pháp luật cấm mua bán chuyển nhượng đất nên phải viết thành Giấy giao quyền nhà cửa thì chính quyền mới xác nhận. Năm 1991, ông bà phá nhà cũ của cụ H và gộp đất của cụ H vào đất của gia đình thành 01 thửa để xây lại nhà mới, xây công trình phụ, tường bao và đổi ngõ đi như hiện nay.

 

Năm 1996 – 1997, ông bà đứng tên kê khai đất và năm 2002 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với số thửa 115 diện tích là 406m2 (gồm phần đất mua của cụ H và phần đất của gia đình ông, bà). Năm 2004, bà A có đặt vấn đề muốn về quê sinh sống, vợ chồng ông bà đồng ý bán lại 02 miếng đất cho bà A với giá 20.000.000 đồng nhưng bà A cho rằng cao quá không mua. Ông, bà khẳng định đã mua nhà đất của bà A nên không đồng ý trả lại theo yêu cầu của bà A.

 

Đối với ruộng phần trăm: ông bà có nhận cấy của cụ H nhưng đã trả thóc đến năm 2004 nên đồng ý trả bà A ruộng phần trăm và số thóc còn thiếu từ năm 2004.

 

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 100/2010/DS-ST ngày 03/8/2010, Tòa án nhân dân huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội quyết định:

 

Bác yêu cầu đòi di sản cho mượn của bà A là đất ở có diện tích 140m2 nằm trong diện tích 406m2 thuộc thửa số 115 tờ bản đồ số 07 năm 1996 tọa lạc tại thôn HG – xã TH - huyện Thanh Oai – Hà Nội đối với  vợ chồng ông B.

 

Sau đó, bà B kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

 

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 592/2011/DS-PT ngày 02/11/2011, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:

 

Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

 

NHẬN ĐỊNH CỦA LUẬT SƯ:

 

Căn cứ tài liệu có trong hồ sơ thì diện tích đất tranh chấp có nguồn gốc là của cụ H. Các đương sự cùng thừa nhận trước năm 1985, cụ H sống một mình tại nhà đất tranh chấp đến năm 1985, cụ H ốm nặng nên bà A đón cụ ra Hà Nội chữa trị bệnh và sống cùng vợ chồng bà A, nhà đất tranh chấp giao cho vợ chồng ông B trông nom hộ.

 

Ngày 10/12/1987, bà A lập “Đơn xin giao quyền nhà cửa” với nội dung: “Tôi: Nguyễn Thị H … có mảnh đất 144m2 … trên có 1 số cây cối và 3 gian nhà. Vậy tôi viết đơn này ủy quyền cho cháu B được sử dụng trông nom giúp đỡ tôi trong lúc già yếu (lấy cháu thay con vì tôi không có nhiều con ngoài cô A). Tôi làm đơn này đề nghị Ủy ban và Ban ruộng đất xã TH chứng nhận cho tôi giao quyền cho cháu B được toàn quyền sử dụng nhà của tôi”, phía cuối có chữ ký của bà A (người giao quyền) và ông B (người được sử dụng) và xác nhận của Ban quản lý nhà đất xã TH ngày 18/5/1988 với nội dung: “đã chuyển sổ mục kê, giải thửa số thửa đất 367, tờ bản đồ thổ cư thôn HG, diện tích là 140m2 mà cụ Nguyễn Thị H và bà A cho anh B được sử dụng và trông coi kể từ ngày ký” và xác nhận của UBND xã TH ngày 04/6/1988 với nội dung: “nhất trí việc bà A nhường quyền sử dụng nhà đất cho cháu là B được quyền sử dụng kể từ ngày ký biên bản”. Bà A có nhận của vợ chồng ông B 03 chỉ vàng (quy ra tiền). Các đương sự đều thừa nhận thời điểm năm 1987, cụ H ốm nặng, nằm 1 chỗ, không nhận thức được gì nên bà A ký Đơn xin giao quyền nhà cửa. Năm 1993, cụ H chết không để lại di chúc.

 

Bà A cho rằng chỉ cho vợ chồng ông B mượn nhà đất, Đơn xin giao quyền nhà cửa lập năm 1987 cũng chỉ có nội dung giao nhà đất cho vợ chồng ông B trôm nom hộ, 03 chỉ vàng vợ chồng ông B đưa cho là để làm tin khi nào bà lấy lại nhà đất sẽ trả lại số vàng này, nên yêu cầu vợ chồng ông B trả lại nhà đất cho mượn. Tuy nhiên, vợ chồng ông B cho rằng bà A đã bán nhà đất cho ông bà với giá 03 chỉ vàng, Đơn xin giao nhà cửa chính là giấy tờ mua bán nên không đồng ý với yêu cầu của bà A.

 

Thực tế, gia đình ông B sử dụng nhà đất của cụ H từ năm 1987, năm 1991, gia đình ông B phá nhà cũ của cụ H, xây dựng lại nhà mới, xây dựng tường bao, công trình phụ, đổi ngõ đi và gộp thửa đất của cụ H vào thửa đất của gia đình ông B. Năm 2002, hộ ông B được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với số thửa 115 diện tích 406m2. Bà A vẫn thường xuyên về thăm quê nhưng không phản đối.

 

Các cán bộ đã xác nhận vào Đơn xin giao quyền nhà cửa đều xác định năm 1987, bà A và ông B mang đơn đến xã xin xác nhận nên các ông đã xác nhận, hai bên không có ý kiến gì về nội dung xác nhận và đã nhất trí ký vào đơn. Bà A cũng thừa nhận cùng vợ chồng ông B đến xã xin xác nhận nhưng cho rằng không đọc nội dung xác nhận của xã. Như vậy, căn cứ nội dung “Đơn xin giao quyền nhà cửa” năm 1987, căn cứ vào việc giao vàng (tiền) nhận nhà đất giữa bà A với vợ chồng ông B, cũng như thực tế sử dụng nhà đất của vợ chồng ông B có cơ sở xác định “Đơn xin giao quyền nhà cửa” là giấy tờ mua bán nhà đất giữa bà A với ông B, nên việc bà A cho rằng chỉ cho vợ chồng ông B mượn nhà đất là không có cơ sở chấp nhận.

 

Tòa án các cấp bác yêu cầu đòi nhà, đất cho mượn của bà A đối với vợ chồng ông B là có cơ sở.

Ý kiến của bạn