Vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất ở Hà Nội - Không giấy tờ

Thứ Wed,
11/07/2018
Đăng bởi Admin

Nguyên đơn là ông Hoàng Ngọc Vượng trình bày:

 

Ngày 05/4/1975, ông nhận chuyển nhượng 49m2 đất (7m x 7m) của vợ chồng ông Trần Ngọc Quang, bà Phạm Thị Nhu tại 14 Bãi Đồng Nhân, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội với giá 150 đồng. Ông Quang đã nhận đủ tiền và viết giấy mua bán cho ông. Việc mua bán có bà Ân và ông Lục là người cùng quê cho ông vay tiền để mua đất chứng kiến.

 

 

Sau khi mua đất, ông nhờ ông Lục mua hộ một bộ khung nhà cũ bằng tre và mua thêm 10 cây tre của ông Đào Duy Đức (cạnh nhà) để dựng thành 02 gian nhà. Năm 1977, ông Vương (là em của ông và là cha của anh Hạnh – Bị đơn) đi học máy ủi và được làm việc tại Hà Nội nên ông đã cho ở nhờ 01 gian nhà, còn ông ở 01 gian nhà.

 

Năm 1985, do nợ nần nên ông bán gian nhà ông ở để trả nợ, phần nhà còn lại ông và ông Vương cùng ở. Đến năm 1992, ông về quê ở Hưng Yên để chăm sóc mẹ già nhưng vẫn giữ nguyên hộ khẩu tại đây và hàng tháng ông vẫn lên Hà Nội để lĩnh lương.

 

Trong quá trình ở nhờ trước năm 1992, ông Vương có làm lại nhà nhưng ông không đồng ý.

 

Năm 2005, ông phát hiện ông Vương lén lút kê khai để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên vợ chồng ông Vương nên xảy ra tranh chấp.

 

Nhà, đất hiện nay do vợ chồng anh Hạnh (con ông Vương) sử dụng. Do đó, ông yêu cầu anh Hạnh, ông Vương trả lại nhà đất cho ông.

 

Bị đơn anh Hoàng Văn An trình bày:

 

Nguồn gốc nhà đất tranh chấp mà gia đình anh đang ở là do ông Vượng và ông Vương (là cha của anh) góp tiền mua chung, phần của ông Vượng đã bán hết. Khoảng năm 1993, giữa ông Vượng và ông Vương xảy ra mâu thuẫn nên không nói chuyện với nhau, ông Vượng đã bỏ về quê, còn ông Vương vẫn ở lại đây.

 

Năm 1993, cha anh bỏ tiền ra xây sửa lại nhà thành nhà cấp 4, diện tích 26,3m2, gia đình anh đã ở từ đó đến nay. Năm 2009, anh có bỏ ra hơn 50.000.000 đồng để sửa lại nhà gồ lợp lại mái nhà, tôn nền, sửa sang trong và ngoài nhà.

 

Anh không chấp nhận yêu cầu của ông Vượng. Ngoài ra, anh còn phản tố yêu cầu được công nhận diện tích đất 8,3m2 (trong tổng diện tích đất 26,3m2 mà cha mẹ anh đã được cấp giấy chứng nhận) vì đây là phần đất gia đình anh lấn ra đất công đã được nhà nước công nhận.

 

Người liên quan - ông Hoàng Văn Vương trình bày:

 

Năm 1975, ông và ông Vượng có chung tiền mua mảnh đất có diện tích 36m2 của ông Quang với giá 120 đồng, trong đó ông góp 30 đồng. Khi mua bán do là anh em nên ông để ông Vượng đứng tên giấy mua bán. Do diện tích đất khi mua là thùng vũng nên năm 1977, ông nhờ anh em đổ đất làm nền nhà và dựng thành hai gian nhà tre, mỗi gian có diện tích 18m2 và thỏa thuận mỗi người ở 01 gian (lúc này vợ con của ông và ông Vượng đều vẫn ở quê). Việc tạo dựng 02 gian nhà tre chỉ có ông và ông Vượng bỏ tiền ra, không ai có đóng góp gì.

 

Từ năm 1977 đến năm 1983, ông và ông Vượng ở đó không cải tạo gì về nhà. Khoảng năm 1983 – 1984, ông Vượng nghỉ chế độ nên bán gian nhà của ông Vượng cho bà Nội và về quê sinh sống, gian nhà còn lại ông vẫn ở.

 

Năm 1987, ông làm mới lại nhà có lấn ra phía đầu ngõ 80cm và phía trước 1,2m. Năm 1990 – 1992, ông đưa các con lên ở cho đến nay. Năm 1993, ông xây lại nhà như hiện nay với diện tích là 26,3m2, năm 2004, ông được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đứng tên vợ chồng ông.

 

Ông yêu cầu Tòa án tiến hành hòa giải giữa ông và ông Vượng, nếu không được yêu cầu giải quyết theo pháp luật.

 

Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng do ông Bùi Văn Hải (Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường) đại diện trình bày:

 

Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho ông Vương, bà Lự đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật.

 

II. QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT

 

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 02/2011/DS-ST ngày 30/3/2011 và ngày 07/4/2011, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng quyết định:

 

Xác định nhà 14 tổ 54 Đồng Nhân B (số mới là 752) Bạch Đằng, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội có diện tích 26,3m2 thuộc thửa đất số 54 tờ bản đồ số 6I-II-38 là của vợ chồng ông Hoàng Ngọc Vượng đã mua của ông Trần Ngọc Quang và bà Phạm Thị Nhu.

 

Bác yêu cầu xác nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở diện tích 26,3m2 của anh Hoàng Văn Hạnh.

 

Buộc ông Hoàng Văn Vương, bà Lê Thị Được, anh Hoàng Văn Hạnh, chị Nguyễn Thị Hương Thủy phải trả toàn bộ nhà 752 Bạch Đằng có diện tích 26,3m2 cho vợ chồng ông Hoàng Ngọc Vượng.

 

Buộc vợ chồng ông Vượng phải thanh toán cho ông Vương, bà Được, anh Hạnh, chị Thủy toàn bộ chi phí xây dựng, sửa chữa nhà là 41.537.600 đồng.

 

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về quyền lưu cư, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

         

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn đã kháng cáo, đồng thời có đơn mời Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

 

Ý KIẾN CỦA LUẬT SƯ BẢO VỆ QUYỀN LỢI CHO BỊ ĐƠN TẠI PHIÊN TÒA PHÚC THẨM

 

Ông Vượng cho rằng diện tích đất tranh chấp tại 14 Bãi Đồng Nhân, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (nay là số 752 phố Bạch Đằng, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) có nguồn gốc là của vợ chồng ông Trần Ngọc Quang (đã chết) bán cho vợ chồng ông từ năm 1975, sau đó, ông cho ông Vương (là em trai của ông Vượng) ở nhờ. Tuy nhiên, ông Vương cho rằng có góp tiền mua chung đất với ông, nhưng do là anh em nên để ông đứng tên giấy tờ mua bán.

 

Giấy mua bán đất ngày 05/4/1975 giữa ông Vượng và ông Quang (do ông Vượng xuất trình) chỉ là giấy viết tay, không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nên không có giá trị pháp lý. Vợ chồng ông Quang đã chết, các nhân chứng là bà Ân, ông Lục … cho rằng có chứng kiến việc ông Quang bán đất cho ông Vượng nhưng cũng không xuất trình được chứng cứ chứng minh số tiền mua đất là của riêng ông Vượng.

 

Thực tế, sau khi mua đất, ông Vượng và ông Vương xây dựng thành 02 gian nhà tre, mỗi người ở một gian. Năm 1985, ông Vượng bán gian nhà đang ở cho bà Bạch Thị Nội, rồi chuyển về Hưng Yên sinh sống, hàng tháng ông Vượng vẫn lên Hà Nội để nhận lương hưu. Ông Vương sử dụng gian nhà còn lại. Quá trình sử dụng nhà, đất, ông Vương đã sửa chữa nhà cũ, xây dựng lại nhà mới như hiện nay nhưng ông Vượng không phản đối. Ngoài ra, ông Vương còn kê khai, đăng ký nhà đất và năm 2004 được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đứng tên vợ chồng ông Vương, ông Vượng không thắc mắc gì. Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng xác nhận trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở cho vợ chồng ông Vương là đúng quy định của pháp luật.

 

Ông Vượng không trực tiếp sử dụng nhà, đất, không nộp thuế, không kê khai đăng ký và không phản đối việc sử dụng của gia đình ông Vương. Do đó, căn cứ vào thực tế sử dụng nhà, đất, có cơ sở xác định, sau khi mua đất của ông Quang, giữa anh em ông Vượng và ông Vương đã có sự phân chia diện tích đất này. Phần của ông Vượng đã bán cho người khác, phần còn lại là của ông Vương, nên việc ông Vượng đòi lại nhà, đất là không có cơ sở. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác yêu cầu khởi kiện của ông Vượng.

 

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 117/2011/DS-PT ngày 24/6/2011, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:

 

Sửa bản án sơ thẩm:

 

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi nhà cho ở nhờ và đòi quyền sử dụng đất của ông Vượng.

 

Công nhận quyền sở hữu hợp pháp của ông Hoàng Văn Vương, bà Lê Thị Được đối với căn nhà xây lợp ngói trên diện tích 26,3m2 đất thuộc thửa đất số 54, tờ bản đồ số 6I-II-38 mang số 752 đường Bạch Đằng, Hà Nội theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở  và quyền sử dụng đất ở cấp ngày 10/11/2004 mang tên ông Hoàng Văn Vương, bà Lê Thị Được.

Ý kiến của bạn