Gần đây, có quá nhiều người hỏi tôi câu hỏi: Sổ đỏ và Sổ hồng khác nhau như thế nào? Giá trị pháp lý có như nhau không? Hạn sử dụng đất trong từng sổ có giống nhau không? Sổ đỏ bây giờ còn giá trị nữa hay không?...
Bằng bài viết này, tôi xin chia sẻ với những ai chưa biết, và cũng coi như là giải đáp những thắc mắc của các bạn đã hỏi tôi trong thời gian qua về “Sổ đỏ” (tên gọi tắt của “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”) – “Sổ hồng” (tên gọi tắt của “Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và quyền sử dụng đất ở”).
Giống nhau về giá trị và hiệu lực pháp lý
Phải khẳng định rằng “Sổ đỏ” hay “Sổ hồng” có giá trị pháp lý như nhau, đều là chứng thư pháp lý do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành để ghi nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, tài sản trên đất của người sử dụng đất.
Khác nhau về hình thức thể hiện
Về hình thức Sổ đỏ và Sổ hồng có sự khác nhau về màu sắc.
- Sổ đỏ có bìa ngoài màu đỏ và ở trang đầu tiên của sổ đỏ có ghi dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, cấp cho khu vực nông thôn, được quy định tại Nghị định số 64 – CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ và thông tư số 346/1998/TT – TCĐC ngày 16/3/1998 của Tổng cục địa chính, quy định loại đất được cấp theo Sổ đỏ rất đa dạng, bao gồm: Đất ở nông thôn, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất làm muối và đất nuôi trồng thủy sản. Sổ này màu đỏ và được UBND cấp huyện, thị xã cấp cho chủ sử dụng và đất ở khu vực nông thôn được cấp sổ đỏ thường là cấp cho Hộ gia đình, ít trường hợp cấp cho cá nhân.
Sổ đỏ (tên gọi tắt của "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất")
- Sổ hồng cả 04 trang bên trong và bên ngoài đều có màu hồng, bên ngoài trang đầu tiên có ghi dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” được quy định tại Nghị định số 60 -CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị. Trên Sổ hồng thể hiện đầy đủ thông tin về quyền sử dụng đất (bao gồm: Số thửa đất, diện tích, loại đất, tờ bản đồ, thời hạn sử dụng…) và quyền sở hữu nhà ở trên đất (Bao gồm: Diện tích xây dựng, kết cấu nhà, số tầng…) do UBND cấp tỉnh (trước ngày 01/7/2004) và UBND cấp huyện (sau ngày 01/7/2004) cấp.
Sổ hồng (tên gọi tắt của "Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và quyền sử dụng đất ở"
- Từ năm 2009, để tránh gây nhầm lẫn và thống nhất thành một loại giấy chứng nhận, ngày 19/10/2009 Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2008/NĐ-CP và ngày 21/10/2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT thống nhất sử dụng chung một loại giấy chứng nhận và lấy tên là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. Theo hai văn bản này thì Giấy chứng nhận này có màu hồng nhạt (nhạt hơn so với sổ hồng) được áp dụng chung trong cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở trên đât và các loại tài sản khác gắn liền với đất.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Đối với những loại “Sổ đỏ” và “Sổ hồng” đã được cấp trước đó vẫn được pháp luật ghi nhận nguyên giá trị và giữ nguyên tính pháp lý. Nếu chủ sử dụng có nhu cầu chuyển sang sổ mới thì sẽ thực hiện việc đổi sổ hoặc sang tên, chuyển nhượng…thì sẽ được cấp giấy chứng nhận theo mẫu mới như đã nói ở trên.
Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ làm sổ đỏ, gồm: Làm sổ đỏ lần đầu, cấp đổi sổ, sang tên sổ đỏ, tách sổ đỏ... tại tất cả các quận, huyện Hà Nội. Với phương châm nhanh chóng, uy tín, chi phí hợp lý. Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi nếu có nhu cầu 096 9920 558.