Những thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất

Thứ Thu,
25/10/2018
Đăng bởi Admin


1. Thiệt hại về đất:

 

Thông thường đây sẽ là thiệt hại lớn nhất cho các chủ đất khi Nhà nước thu hồi, nó không chỉ đơn thuần là thiệt hại về giá trị quyền sử dụng đất, mà còn bao gồm rất nhiều các thiệt hại khác, như:

 

Người dân bức xúc khi thiệt hại không được đền bù thỏa đáng

 

- Thiệt hại do mất hoặc bị giảm không gian sống, sinh hoạt và nơi ở:

 

Nếu thu hồi toàn bộ thửa đất, thì người có đất bị thu hồi bị mất đất đồng nghĩa mất đi toàn bộ không gian sống, sinh hoạt của họ, đặc biệt là mất đi nơi ở. Nếu chỉ thu hồi một phần, phần diện tích đất còn lại đủ để tiếp tục sử dụng vào mục đích đất ở thì người bị thu hồi đất bị giảm sút, hạn chế không gian sống, sinh hoạt so với trước khi bị thu hồi.


- Thiệt hại do mất tư liệu sản xuất trong trường hợp thu hồi đất nông nghiệp:

 

Với những hộ gia đình thuần nông thì đất nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng, là tư liệu sản xuất không gì có thể thay thế được. Ở nhiều nơi, nông dân chỉ gắn liền với sản xuất nông nghiệp và chỉ có thu nhập chính là từ sản xuất nông nghiệp. Do đó, khi mất đất sẽ đồng nghĩa với việc người nông dân mất đi tư liệu sản xuất quan trọng.


- Thiệt hại do mất tư liệu tạo ra nguồn thu nhập và nguồn sống:

 

Trong nhiều trường hợp, đất tạo ra nguồn thu nhập chính cho chủ đất (như cho thuê, trồng cây, chăn nuôi…). Do đó, nếu bị thu hồi, chủ đất sẽ mất hoặc giảm thu nhập, gây thiệt hại cho chủ đất.


- Thiệt hại do mất địa điểm kinh doanh:

 

Trường hợp đất bị thu hồi là trụ sở, kho tàng, nhà máy, xưởng sản xuất của các doanh nghiệp; là nơi buôn bán, kinh doanh của tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình, cá nhân. Khi thu hồi đất thì không chỉ mất đất mà còn mất đi địa điểm kinh doanh, từ đó làm mất hoặc giảm sút nguồn thu nhập. Bởi vì, khi chuyển đến địa điểm mới không thể kinh doanh như nghề trước khi bị THU HỒI ĐẤT hoặc lợi thế không bằng trước khi THU HỒI ĐẤT.


- Thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất do thửa đất bị chia cắt:

 

Nhiều trường hợp khi THU HỒI ĐẤT, do chỉ thu hồi một phần nên thửa đất bị chia cắt thành nhiều thửa dẫn đến hạn chế khả năng sử dụng, đặc biệt là trong trường hợp THU HỒI ĐẤT nông nghiệp, làm cho thửa đất không còn là “cánh đồng mẫu lớn”. Mặc dù đây là thiệt hại thực tế phát sinh khi Nhà nước THU HỒI ĐẤT nhưng trong các quy định hiện nay chưa được xác định đây là thiệt hại nên không được bồi thường.


2. Thiệt hại về chi phí đầu tư vào đất còn lại:

 

Thiệt hại về chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước THU HỒI ĐẤT là các chi phí mà người sử dụng đất đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất, nhưng đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định THU HỒI ĐẤT còn chưa thu hồi hết.


3. Thiệt hại về di chuyển hài cốt, mồ mả:


Khi THU HỒI ĐẤT mà có mồ mả thì dẫn đến phải di chuyển và chi phí này được xác định là thiệt hại. Trong trường hợp này, thiệt hại được bồi thường bao gồm chi phí đào, bốc, di chuyển, xây dựng mới và chi phí hợp lý khác.


Ngoài những chi phí trên còn chi phí mà thực tế phải bỏ ra là chi phí nhận chuyển nhượng đất mới để xây dựng lăng mộ. Tuy nhiên, thiệt hại này chưa được quy định cụ thể trong Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, dẫn đến nhiều trường hợp gặp vướng mắc khi người bị THU HỒI ĐẤT yêu cầu được bồi thường tiền để nhận chuyển nhượng đất đặt lăng mộ nhưng không thể giải quyết được do pháp luật không quy định cụ thể.


4. Thiệt hại do mất ổn định cuộc sống, sản xuất bị đình trệ, việc làm bị mất, thu nhập bị mất hoặc giảm sút:


Đây là những thiệt hại thực tế mà người có đất bị thu hồi và gia đình của họ phải gánh chịu do hậu quả trực tiếp của việc THU HỒI ĐẤT. Thu hồi và bồi thường là một quá trình kéo dài, bắt đầu từ thông báo thu hồi đất, kiểm đếm, lập phương án, di dời, tái định cư… Tùy từng trường hợp mà người bị THU HỒI ĐẤT có thể trải qua tất cả hoặc một số công đoạn này, dẫn đến cuộc sống đảo lộn, sản xuất gián đoạn, việc làm bị mất, thu nhập bị mất hoặc giảm sút. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, trường hợp người bị THU HỒI ĐẤT mất ổn định cuộc sống, sản xuất bị đình trệ, việc làm bị mất, thu nhập bị mất hoặc giảm sút… không được xác định là thiệt hại. Vì thế, Nhà nước không bồi thường mà tùy trường hợp được xem xét hỗ trợ, bao gồm: (i) Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; (ii) Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.


5. Thiệt hại đối với tài sản gắn liền với đất:


Thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất:

 

Thiệt hại này bao gồm nhà ở và các công trình kiến trúc gắn liền với đất phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Đây là những công trình kiến trúc phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, làm việc, khám chữa bệnh, để ở nhưng không phải là của hộ gia đình, cá nhân hoặc các mục đích khác; các công trình tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo như đền, đình, chùa, miếu, nhà thờ, nhà nguyện, cơ sở đào tạo của các tổ chức tôn giáo…; các công trình kiến trúc công cộng như cổng chào, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng… Khó có thể liệt kê chi tiết và đầy đủ các công trình kiến trúc gắn liền với đất bị thiệt hại mà tùy từng trường hợp THU HỒI ĐẤT cụ thể để xác định. Các công trình này có thể thiệt hại toàn bộ hoặc một phần.


Thiệt hại về cây trồng:

 

Cây trồng bao gồm cây trồng hàng năm và cây trồng lâu năm. THU HỒI ĐẤT dẫn đến các loại cây gắn liền với đất phải thu hoạch sớm hoặc phá bỏ. Khoản 1 Điều 90 Luật Đất đai năm 2013 chỉ xác định thiệt hại và bồi thường đối với cây trồng theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi. Đây là quy định không hợp lý, bởi vì đối với cây lâu năm, thiệt hại không đơn thuần là mất đi giá trị của cây mà còn mất đi giá trị sử dụng, giá trị sinh lợi lâu dài của cây.


6. Thiệt hại về vật nuôi:


Đối với vật nuôi, THU HỒI ĐẤT sẽ dẫn đến những thiệt hại sau:


- Mất hoàn toàn vật nuôi:

 

Phát sinh trong những trường hợp: THU HỒI ĐẤT mà vật nuôi chưa đến kỳ thu hoạch hoặc nếu thu hoạch thì cũng không bán được, không sử dụng được; di chuyển vật nuôi dẫn đến vật nuôi bị chết hoặc bị mất.


- Giảm giá trị của vật nuôi:

 

Phát sinh trong những trường hợp: Vật nuôi chưa đến kỳ thu hoạch nhưng phải thu hoạch theo quyết định THU HỒI ĐẤT dẫn đến việc vật nuôi phải “bán non” sẽ “không được giá” như vật nuôi đã phát triển đầy đủ, trong khi đó, nếu không THU HỒI ĐẤT thì vật nuôi nuôi đủ đến kỳ thu hoạch sẽ mang lại giá trị đầy đủ của nó; vật nuôi đã đến kỳ thu hoạch nhưng “chưa được giá” mà phải thu hoạch theo quyết định THU HỒI ĐẤT (nhiều trường hợp, đến kỳ thu hoạch nhưng người chăn nuôi có thể chưa thu hoạch để bán khi giá vật nuôi trên thị trường thấp, họ có thể đợi đến khi giá lên mới thu hoạch để bán).


- Thiệt hại do phải di chuyển:

 

Thiệt hại này là các khoản chi phí phải bỏ ra để di chuyển vật nuôi đến địa điểm khác để tiếp tục nuôi giữ, bao gồm chi phí bắt nhốt, trông coi, vận chuyển, thả nuôi lại.


Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định bồi thường thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản, còn các vật nuôi là gia súc, gia cầm, ong, tằm không có quy định nào về việc bồi thường. Đối với vật nuôi là thủy sản, pháp luật hiện hành cũng chỉ xác định thiệt hại được bồi thường là thiệt hại do thu hoạch sớm mà không tính các thiệt hại giảm giá trị sử dụng do phải “bán non” dẫn đến vật nuôi “không được giá”. Đây là những điểm bất hợp lý khi xác định thiệt hại và bồi thường đối với vật nuôi trong các quy định hiện hành.

 

7. Thiệt hại do di chuyển tài sản:


Luật Đất đai năm 2013 quy định các chi phí sau đây được coi là thiệt hại và được bồi thường:

 

Chi phí tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt và thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt đối với hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất; chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại đối với cây trồng chưa thu hoạch; chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra đối với vật nuôi là thủy sản.


Tuy nhiên, một số chi phí tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt và thiệt hại do tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt chưa được pháp luật ghi nhận mặc dù đó là thiệt hại thực tế do THU HỒI ĐẤT gây ra mà người bị THU HỒI ĐẤT phải gánh chịu, đó là:

 

Đối với tài sản là đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất, kinh doanh mà không phải là hệ thống máy móc, thiết bị.

 

Đối với vật nuôi mà không phải thủy sản (bao gồm gia súc, gia cầm, ong, tằm) nếu di chuyển gây chết hoặc bị tổn thương thì không được xác định là thiệt hại. Theo đó, khoản 1 Điều 91 Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định nếu tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất có thiệt hại thì được bồi thường, không bồi thường thiệt hại đối với tài sản khác (trong đó có gia súc, gia cầm, ong, tằm); khoản 2 Điều 90 Luật Đất đai năm 2013 quy định chỉ bồi thường thiệt hại do di chuyển vật nuôi là thủy sản do phải thu hoạch sớm.


8. Thiệt hại do phải cải tạo, sửa chữa nhà:


Thiệt hại này phát sinh trong các trường hợp sau:

 

Khi nhà, công trình bị phá dỡ một phần nhưng phần còn lại vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật để sử dụng được thì phần này không bồi thường nhưng phát sinh chi phí cải tạo, sửa chữa thì được xác định là thiệt hại và được bồi thường.

 

Đối với người sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước nếu có cơi nới, nâng cấp, sửa chữa thì chi phí cơi nới, nâng cấp, sửa chữa là thiệt hại được bồi thường.


9. Thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc đất hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ an toàn:


Thiệt hại này phát sinh khi Nhà nước xây dựng các công trình công cộng, quốc phòng, anh ninh có hành lang an toàn nhưng không THU HỒI ĐẤT nằm trong phạm vi hành lang an toàn có thể dẫn đến thiệt hại cho người sử dụng đất là làm hạn chế khả năng sử dụng đất do làm thay đổi mục đích sử dụng đất từ đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở hoặc từ đất ở sang đất nông nghiệp, thiệt hại do phải di chuyển chỗ ở và thiệt hại về tài sản nằm trong hành lang phải giải tỏa.

 

MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC XÁC ĐỊNH ĐÚNG VÀ ĐỦ CÁC THIỆT HẠI KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT

 

- Xác định đúng thiệt hại khi Nhà nước THU HỒI ĐẤT là cơ sở để xác định quyền lợi mà người bị THU HỒI ĐẤT được hưởng, được bồi thường và xác định được trách nhiệm của Nhà nước đối với các thiệt hại mà người có đất bị thu hồi phải gánh chịu để cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật.


- Xác định đúng thiệt hại phát sinh khi Nhà nước THU HỒI ĐẤT là cơ sở để Nhà nước, nhà đầu tư xác định được chi phí bồi thường và tổng chi phí khi lập dự án đầu tư. Điều này giúp Nhà nước, nhà đầu tư có kế hoạch ngay từ đầu trong việc chuẩn bị nguồn vốn để thực hiện dự án, trong đó có việc dự trù nguồn kinh phí bồi thường, hạn chế sự bị động về nguồn kinh phí bồi thường, tránh việc “đội vốn” phát sinh trong quá trình thực hiện.


- Xác định đúng thiệt hại mà người THU HỒI ĐẤT phải gánh chịu để Nhà nước xác định một cách chính xác nhất những mất mát mà người có đất bị thu hồi phải gánh chịu. Từ đó, Nhà nước hiểu rõ hơn vì sao người dân lại khiếu nại và không đồng tình với phương án bồi thường. Thông qua đây, Nhà nước sẽ có các quyết định bồi thường, giải quyết khiếu nại đúng với những mất mát, thiệt hại thực tế của người bị THU HỒI ĐẤT.


 

Ý kiến của bạn