Tranh chấp về đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Tranh chấp đất đai gồm các tranh chấp chính sau:
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất (ai là người có quyền sử dụng đất),
- Tranh chấp về các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất (chuyển nhượng, tặng cho, chuyển đổi, góp vốn, thế chấp...),
- Tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất,
- Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất....
Tranh chấp đất đai có thể được giải quyết theo phương thức khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tương ứng với mỗi phương thức thì trình tự, thủ tục giải quyết sẽ bao gồm các bước khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ trình bày về trình tự, thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai tại Tòa án.
Bước 1: Thủ tục tiền tố tụng (hay còn gọi là thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã):
Về nguyên tắc, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Khi các bên tranh chấp không tự hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Không phải tranh chấp nào cũng bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã trước khi đưa đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân yêu cầu giải quyết. Và cũng phải khẳng định rằng, Ủy ban nhân dân cấp xã không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, mà chỉ có thẩm quyền hòa giải.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-TANDTC ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì:
"Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tạ Điều 202 Luật Đất đai 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án".
Như vậy, chỉ có tranh chấp đất đai về vấn đề ai là người có quyền sử dụng đất (tranh chấp quyền sử dụng đất) thì mới bắt buộc phải hòa giải tại UBND xã nơi có đất trước khi thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Còn đối với tranh chấp đất đai khác thì không bắt buộc phải thực hiện thủ tục này mà đương sự có quyền gửi thẳng đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu giải quyết.
Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết, với thành phần Hội đồng hòa giải cấp gồm:
- Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND là Chủ tịch Hội đồng;
- đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn;
- tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn;
- đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó;
- công chức địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã),
- công chức Tư pháp –Hộ tịch xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể,
- có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…
Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.
Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác để trình UBND cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp hòa giải không thành thì một trong hai bên (mà chủ yếu là bên có đơn) thực hiện thủ tục khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện:
2.1. Soạn đơn khởi kiện:
Đơn khởi kiện được làm theo đúng mẫu với đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật như:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của nguồi bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
2.2. Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, chứng cứ nộp kèm đơn khởi kiện:
Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ: Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy tờ tùy thân khác, các giấy tờ chứng minh về nguồn gốc đất, về quá trình sử dụng đất, về các giao dịch hay những giấy tờ tài liệu khác liên quan đến đất….
Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Bước 3: Gửi hồ sơ khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền:
3.1. Xác định đúng Tòa án giải quyết vụ việc:
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khởi kiện (bước 2), người khởi kiện tiến hành gửi hồ sơ khởi kiện đến đúng Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết. Muốn xác định chính xác Tòa án có thẩm quyền giải quyết, người khởi kiện phải phải xác định đúng 2 yếu tố sau:
- Đúng thẩm quyền theo lãnh thổ:
Tranh chấp đất đai là tranh chấp về bất động sản nên theo quy định tại Điều 39 Bộ luật TTDS 2015 thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết phải là Tòa án nơi có đất.
- Đúng thẩm quyền theo cấp tòa án:
Theo quy định tại Điều 35, 37 Bộ luật TTDS 2015 thì Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết các tranh chấp về đất đai trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh là:
- Tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài: có đương sự hoặc đất ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài;
- Những tranh chấp đất đai mà phải xem xét đến việc hủy quyết định cá biệt (quyết định thu hồi đất, quyết định cấp đất…) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ cấp huyện trở lên;
3.2. Phương thức gửi hồ sơ khởi kiện:
Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc bằng một trong các phương thức sau:
a) Nộp trực tiếp tại Tòa án;
b) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
c) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
3.3. Tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện của Tòa án:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết;
c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Trường hợp đủ điều kiện thụ lý, Thẩm phán sẽ ra thông báo nộp tạm ứng án phí để người khởi kiện thực hiện việc nộp tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án và chuyển lại cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí để Tòa án hoàn thiện thủ tục thụ lý vụ án.
Trong quá trình tiếp nhận và giải quyết đơn từ chính quyền cấp xã (giai đoạn hòa giải), cũng như tại Tòa án, nếu có bất kỳ sự vi phạm nào của cán bộ trực tiếp giải quyết hay của cơ quan có thẩm quyền thì các đương sự hoàn toàn có thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo những vi phạm đó tới người có thẩm quyền giải quyết, tránh việc tiền thì mất mà tranh chấp vẫn phải mang theo.
Trên đây là toàn bộ trình tự, thủ tục từ khi phát sinh tranh chấp đến khi được tòa án có thẩm quyền thụ lý vụ kiện tranh chấp đất đai. Thực tế cho thấy, phần do không am hiểu pháp luật, phần do yếu thế nên người dân thường gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục này dẫn đến tình trạng không được các cơ quan giải quyết đúng quy định, hoặc bị “hành” đến mức chán nản mà tự dừng lại việc đi tìm công lý. Do vậy, nếu có điều kiện, ngay từ đầu người dân nên thuê luật sư uy tín để thay mình giải quyết mọi vấn đề, nếu không có điều kiện cũng nên tìm đến sự tư vấn, hỗ trợ soạn thảo đơn từ, chuẩn bị hồ sơ khởi kiện của Luật sư để bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Nếu gặp bất kỳ khó khăn gì hãy liên hệ với chúng tôi theo số 096 9920 558 hoặc đến trực tiếp văn phòng của chúng tôi tại địa chỉ tầng 6, số 128 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội, Luật sư Phan Sánh với kinh nghiệm trên 15 năm chuyên về giải quyết tranh chấp nhà, đất sẽ sẵn sàng tư vấn hoặc cung cấp mẫu đơn, hồ sơ khởi kiện cho Quý Khách hàng.