Thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Thứ Fri,
20/07/2018
Đăng bởi Admin

I. THẾ CHẤP NHÀ, ĐẤT

 

Thế chấp nhà, đất là một biện pháp bảo đảm để thực hiện Hợp đồng kinh tế hoặc Hợp đồng dân sự, nhưng chủ yếu vẫn là bảo đảm cho việc thực hiện Hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp chủ sử dụng đều có thể sử dụng quyền sử dụng đất để thế chấp bảo đảm thực hiện hợp đồng. Theo quy định của pháp luật, không phải mọi trường hợp chủ sử dụng đều có thể dùng quyền sử dụng đất để thế chấp, mà có nhiều trường hợp chủ sử dụng đất sẽ không được đem quyền sử dụng đất đi thế chấp, cụ thể:

 

 

- Đất của tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất;

 

- Đất của tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất (chỉ được thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản gắn liền với đất thuê;

 

- Đất của tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mà số tiền đã trả có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước;

 

- Đất của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất;

 

- Đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm;

 

- Đất chưa hoàn thành nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước;

 

- Đất đang có tranh chấp về tài sản trên đất;

 

- Đất đang nằm trong diện bị quy hoạch.

 

Như vậy, đối với những trường hợp nêu trên, chủ sử dụng sẽ không được thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, nếu trên phần đất đó có tài sản hợp pháp thì họ vẫn có quyền thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất đó.

 

Cũng theo quy định của pháp luật thì việc thế chấp quyền sử dụng đất bắt buộc phải được công chứng, chứng thực và đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn luật định thì mới có giá trị pháp lý.

 

II. GÓP VỐN BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG NHÀ, ĐẤT:

 

Góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà là việc đưa quyền sở hữu nhà, đất vào pháp nhân hoặc vào dự án đầu tư để kinh doanh sinh lợi. Người góp sẽ trở thành chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu chung pháp nhân hoặc chủ đầu tư dự án.

 

Quyền sử dụng đất chỉ được đưa vào góp vốn khi đáp ứng đủ những điều kiện theo luật định. Cụ thể:

 

- Có giấy tờ về quyền sử dụng đất (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai);

 

- Đất không có tranh chấp;

 

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

 

- Trong thời hạn sử dụng đất;

 

Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải được đăng ký cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ xin đăng ký gồm có: 

 

+ Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất có công chứng

 

+ Giấy tờ về quyền sử dụng đất như nêu ở trên.

 

Ngoài ra, để đảm bảo việc góp vốn thành công ngoài những yêu cầu về điều kiện nêu ở trên, thì quyền sử dụng đất đó còn phải phù hợp với quy hoạch của tỉnh, thành phố; có kế hoạch sử dụng đất đúng, hợp lý và người có quyền sử dụng đất đó đã thực hiện đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

 

Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất sẽ chấm dứt khi xảy ra các tình huống sau:

 

- Hết thời hạn góp vốn bằng quyền sử dụng đất;

 

- Một bên hoặc các bên đề nghị theo thỏa thuận trong hợp đồng góp vốn;

 

- Bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật;

 

- Bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc doanh nghiệp liên doanh bị tuyên bố phá sản, giải thế;

 

- Cá nhân tham gia hợp đồng góp vốn bị chết, bị tuyên bố mất tích, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị cấm hoặc động trong lĩnh vực hợp tác kinh doanh mà hợp đồng góp vốn phải do cá nhân đó thực hiện;

 

- Pháp nhân tham gia hợp đồng góp vốn bị chấm dứt hoạt động mà hợp đồng góp vốn đó do pháp nhân đó thực hiện.

 

 

Ý kiến của bạn