Lập di chúc để lại nhà đất sao cho đúng luật

Thứ Tue,
10/07/2018
Đăng bởi Admin

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết (Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015). Việc lập một bản di chúc hợp pháp không quá khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên, trên thực tế, do không hiểu biết pháp luật, lại không có điều kiện tư vấn luật sư nên nhiều bản di chúc được lập không đúng quy định, dẫn đến vô hiệu. Điều này không chỉ khiến ý nguyện của người chết không được thực thi mà nhiều trường hợp còn gây mâu thuẫn, tranh chấp rất đáng tiếc đối với chính các hàng thừa kế của người chết (mà chủ yếu là giữa con cái của họ).

 

Dịch vụ soạn thảo, công chứng di chúc nhanh chóng, đúng luật - 096 9920 558

 

Trong quá trình hành nghề, tôi cũng đã trực tiếp giải quyết nhiều vụ án tranh chấp liên quan đến di chúc vô hiệu và nhận thấy một điều là dù thắng hay thua thì tình cảm gia đình đều bị tan vỡ (anh, em tranh chấp dẫn đến chia rẽ, thù oán; cha/mẹ, con cái tranh chấp dẫn đến từ nhau…). Và tôi chắc chắn một điều là giá như khi lập di chúc các cô/chú/bác được tư vấn một chút thôi thì có lẽ gia đình họ vẫn được êm ấm, không chịu cảnh “vô phúc đáo đụng hình” như thế.

 

Với hi vọng hạn chế tối đa những trường hợp di chúc vô hiệu, thông qua bài viết này, tôi xin chia sẻ những quy định của pháp luật hiện hành để qua đó mọi người có thể lập được bản di chúc đúng luật, không vô hiệu.

 

1. Điều kiện bắt buộc chung đối với các loại di chúc:

 

Di chúc chỉ được coi là hợp pháp khi có đủ các điều kiện dưới đây (khoản 1 Điều 630 BLDS):

-        Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

-        Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

 

2. Điều kiện cụ thể đối với một số di chúc đặc biệt:

 

Đối với những di chúc đặc biệt, ngoài những điều kiện bắt buộc được nêu tại mục 1 thì còn cần phải đáp ứng những điều kiện cụ thể sau:

 

2.1.  Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc (khoản 2 Điều 630 BLDS).

 

2.2. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực (khoản 3 Điều 630 BLDS).

 

2.3. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được nêu tại mục 1 trên (khoản 4 Điều 630 BLDS)

 

2.4. Di chúc miệng (Điều 629 và khoản 5 Điều 630 BLDS):

Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

 

2.5. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng (Điều 633 BLDS)

Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.

Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật.

 

2.6. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng (Điều 634 BLDS)

Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Di chúc phải có đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật.

 

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.

- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

 

Nếu còn chưa rõ hoặc cần tư vấn thêm, Quý Khách có thể liên hệ trực tiếp với Luật sư theo số 096 9920 558 để được tư vấn miễn phí hoặchỗ trợ soạn thảo di chúc.