Di chúc để lại nhà đất hợp pháp không có công chứng, chức thực

Thứ Tue,
10/09/2019
Đăng bởi Admin

Di chúc để lại nhà đất hợp pháp không có công chứng, chứng thực theo quy định của Bộ luật dân sự 2015; Di chúc bằng miệng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng 

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

1. Khái niệm chung về di chúc hợp pháp

Di chúc cũng là một loại giao dịch dân sự (giao dịch một bên) nên phải tuân theo nguyên lý về một giao dịch hợp pháp. Theo đó, các giao dịch đều phải hợp pháp về 4 yếu tố. Cụ thể là: Chủ thể – ý chí – nội dung – hình thức. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật thừa kế, quy định của các văn bản pháp quy có khác nhau, đặc biệt là quy định về hình thức.

Về chủ thể: Phải là người đủ năng lực hành vi dân sự.

Về ý chí: Phải tự nguyện, làm chủ việc định đoạt của mình thể hiện ở tiêu chuẩn “minh mẫn, sáng suốt”, “không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép”.

Về nội dung: Không vi phạm điều cấm của luật.

2. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hình thức di chúc

2.1. Các hình thức di chúc

Căn cứ vào mức độ liên quan với cơ quan công chứng, chứng thực thì có thể xác định có 3 loại hình thức di chúc chính được quy định trong BLDS năm 2015, đó là:

– Di chúc miệng (Điều 629);

– Di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực (khoản 2 và 3 Điều 628);

– Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực.

Công chứng, chứng thực phải là của cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực. Thẩm quyền đó được pháp luật quy định, như các Phòng công chứng, các Ủy ban nhân dân… Còn sự xác nhận của các cơ quan, tổ chức không có thẩm quyền công chứng, chứng thực thì chỉ có một số loại xác nhận được coi “có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực” (các di chúc quy định ở Điều 638).

Di chúc để lại nhà đất hợp pháp bằng văn bản có công chứng, chứng thực lại bao gồm:

– Loại bắt buộc phải có công chứng, chứng thực: Đó là trường hợp người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ (khoản 3 Điều 630).

– Loại có thể công chứng, chứng thực: Đó là loại không bắt buộc phải công chứng, chứng thực nhưng người lập di chúc có quyền yêu cầu công chứng, chứng thực (Điều 635). Ví dụ: Người có năng lực hành vi đầy đủ, tự viết di chúc thì di chúc đó đã là hợp pháp nhưng họ muốn công chứng để tránh nghi ngờ, tranh chấp về sau này thì di chúc của họ vẫn được công chứng.

– Loại có giá trị như công chứng, chứng thực: Đó là các loại di chúc không có công chứng, chứng thực mà chỉ có xác nhận của cá nhân hoặc tổ chức quy định ở Điều 638 (gồm 6 loại) như: Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay, có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó; di chúc của người đang điều trị ở bệnh viện có xác nhận của người phục trách bệnh viện; di chúc của người đang bị tạm giam có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó…

2.2. Di chúc để lại nhà đất hợp pháp không có công chứng, chứng thực

Di chúc để lại nhà đất hợp pháp không có công chứng, chứng thực nêu ở đây là loại di chúc không cần công chứng, chứng thực hay xác nhận (loại thuộc Điều 638 nêu trên) cũng là di chúc hợp pháp. Đó là 2 loại di chúc: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng (Điều 633) và di chúc bằng văn bản có người làm chứng (Điều 634).

2.2.1.Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng

Loại di chúc này được quy định tại Điều 633, cụ thể là:

“Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.
Việc lập di chúc để lại nhà đất hợp pháp bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 của Bộ luật này”.

Đặc trưng cơ bản nhất của loại di chúc này là “tự viết và ký vào bản di chúc”. Vì vậy có thể gọi loại di chúc này là di chúc tự viết. Việc tự viết vừa thể hiện sự tự nguyện của người lập di chúc vừa mang tính đặc định cao; khó có thể làm giả; thuận lợi cho việc giám định. Di chúc tự viết cũng có đặc điểm gắn liền với đặc điểm của di chúc là ý chí của cá nhân, là bảo mật nên nó là loại di chúc truyền thống và xu hướng là tồn tại lâu dài.

Người lập di chúc tự viết nhưng phải ký thì mới là sự khẳng định chính thức hoàn thiện văn bản đó. Viết đủ nội dung mà chưa ký thì cũng vẫn chỉ là dự thảo. Thực tiễn xét xử đã không công nhận nhiều văn bản mới viết mà chưa ký.

Di chúc tự viết còn phải tuân theo các quy định của Điều 631. Điều 631 quy định về nội dung di chúc nhưng còn quy định cả một số vấn đề về hình thức di chúc để lại nhà đất hợp pháp. Ví dụ: Quy định “nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc”. Như vậy, một di chúc tự viết và đã ký nhưng không ký vào từng trang thì di chúc vẫn là vi phạm về hình thức và không hợp pháp.

2.2.2.Di chúc để lại nhà đất hợp pháp bằng văn bản có người làm chứng

Loại di chúc để lại nhà đất hợp pháp này quy định tại Điều 634, cụ thể là:

Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc.Người lập di chúc có thể tự mình đánh máy; nhờ người khác viết hoặc đánh máy. Tuy nhiên phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật này”.

Đây là loại di chúc để lại nhà đất hợp pháp không cần công chứng, chứng thực nhưng bắt buộc phải có hai người làm chứng trở lên. Loại di chúc này là di chúc đánh máy hoặc người khác viết hộ. Đánh máy thì có thể tự đánh hoặc nhờ người khác đánh. Như vậy, đánh máy thường là có hình thức đẹp hơn viết nhưng tự viết có giá trị hơn tự đánh máy. Do đó, tự viết thì không cần người làm chứng nhưng tự đánh máy thì vẫn cần có người làm chứng.

Cần lưu ý việc nhờ người khác viết phải là trường hợp người lập di chúc biết chữ, không bị hạn chế về thể chất (mù, câm , điếc…); nếu không biết chữ hoặc hạn chế về thể chất thì lại thuộc loại bắt buộc phải có công chứng, chứng thực (khoản 3 Điều 630).

Ngoài việc phải tuân theo các quy định của Điều 631 như di chúc tự viết. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng còn phải tuân theo các quy định của Điều 632 là điều quy định những người không được làm chứng. Thực tiễn xét xử thường có trường hợp người viết hộ hoặc đánh máy hộ đồng thời là người làm chứng. Pháp luật không cấm làm chứng trong trường hợp này nên người viết hộ hoặc đánh máy hộ mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 632 thì họ vẫn là người làm chứng hợp pháp.
Người làm chứng phải chứng kiến việc người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ. Do vậy, nếu người lập di chúc chỉ ký; điểm chỉ một lần thì những người làm chứng phải cùng có mặt. Khi đó, di chúc sẽ là di chúc để lại nhà đất hợp pháp.

luatsunhadat.com.vn

Nếu cần tư vấn hoặc hỗ trợ thực hiện dịch vụ hãy liên hệ ngay với luật sư chuyên về nhà đất theo số 096 9920 558 để được hỗ trợ một cách tốt nhất.