Hướng dẫn mới nhất của Tòa án về nộp đơn khởi kiện lại những vụ án chia thừa kế theo BLDS 2015

Thứ Thu,
13/12/2018
Đăng bởi Admin

Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 thì: "1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế."

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Trước ngày 01/01/2017, nhiều yêu cầu về chia thừa kế nhà đất bị Tòa án bác vì hết thời hiệu khởi kiện 10 năm quy định tại Bộ luật Dân sự 2005. Quy định về thời hiệu như vậy là quá ngắn, đã vô tình làm mất quyền được hưởng di sản của rất nhiều người, mà phần lớn di sản đều có giá trị lớn vì đến 99% di sản để lại là nhà, đất.

 

Do đó, quy định này đã nhanh chóng được sửa đổi tại Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ 01/01/2017). Theo đó, thời hiệu yêu cầu chia thừa kế đối với nhà, đất được kéo dài tới 30 năm. Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều trường hợp trước đây Tòa án đã bác yêu cầu chia thừa kế vì hết thời hiệu, nhưng theo quy định mới tại Bộ luật Dân sự 2015 thì lại vẫn còn thời hiệu chia thừa kế.

 

Để giải thích và thống nhất cách áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết với những trường hợp nêu trên, tại Công văn số 263 /TANDTC-PC ngày 05/12/2018, Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này như sau:

 

"Trong vụ án tranh chấp thừa kế tài sản mà trước ngày 01-01-2017 đã được Tòa án giải quyết bằng Bản án, Quyết định đã có hiệu lực pháp luật, trong đó Tòa án quyết định giao cho người thừa kế quản lý di sản do hết thời hiệu 10 năm yêu cầu chia di sản thừa kế. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế đối với tài sản đó vẫn còn. Vậy trong trường hợp này, người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó hay không?

 

Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:

 

Trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Tòa án chỉ quyết định tạm giao cho người thừa kế quản lý di sản và không quyết định việc phân chia di sản vì lý do thời hiệu yêu cầu chia di sản đã hết. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu để yêu cầu chia di sản thừa kế đó vẫn còn thì phải xác định đây là trường hợp Tòa án chưa giải quyết việc phân chia di sản thừa kế. Do đó, Tòa án không áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và hướng dẫn tại khoản 3 Điều 7 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05-5-2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xác định người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án và trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp này, người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688, khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 và điểm d khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

 

Khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế “.

 

Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân các cấp, thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao sau khi nhận được Công văn này cần tổ chức quán triệt và triển khai ngay tới các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trong cơ quan, đơn vị mình. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc đề xuất, kiến nghị thì phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để có hướng dẫn kịp thời."

 

Vì vậy, nếu trước đây người dân đã có đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế và Tòa án đã giải quyết bác yêu cầu do hết thời hiệu thì hãy liên hệ ngay với Luật sư để được tư vấn nộp lại đơn khởi kiện để đề nghị Tòa án giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình và gia đình.

 

Trường hợp còn thắc mắc hay cần hỗ trợ gì hãy liên hệ ngay với Luật sư chuyên về nhà đất của chúng tôi theo số 096 9920 558 để được tư vấn miễn phí và hướng dẫn tận tình.

Ý kiến của bạn