Dự thảo sửa đổi Nghị định 102: Mạnh tay với vi phạm đất đai

Thứ Thu,
20/09/2018
Đăng bởi Admin

Sau khi ra đời, Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã giải quyết được nhiều vướng mắc về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tuy vậy, hơn 3 năm thực hiện Nghị định, ở nhiều địa phương đã phát sinh vướng mắc cần sửa đổi để phù hợp với thực tiễn.

 

Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã giải quyết được nhiều vướng mắc về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

 

Chế tài chưa đủ sức răn đe
 

Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định này. Theo đó, nội dung sửa đổi sẽ dựa trên thực tế triển khai Nghị định cùng với tổng hợp báo cáo từ các tỉnh, thành phố; ý kiến phản ánh của các Sở TN&MT tại các Hội nghị tập huấn công tác thanh tra hàng năm; ý kiến phản ánh của một số cử tri, đại biểu Quốc hội cho thấy việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Nghị định số 102/2014/NĐ-CP còn có những khó khăn, vướng, chế tài xử lý hành chính trong một số trường hợp còn thấp, chưa đủ sức răn đe.
 

 

Theo tổng hợp của Thanh tra tỉnh Nghệ An, Nghị định số 102 còn chưa quy định đầy đủ về các trường hợp lấn, chiếm đất theo mục đích sử dụng đã được quy định tại Điều 10, Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể: Quy định về hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng để xây dựng nhà ở, quán và các công trình khác (trong đó có công trình tôn giáo), do đó, khi người dân  vi phạm và quy định này thì không có căn cứ để xử lý.
 

Bên cạnh đó, đối với hành vi lấn, chiếm đất tại các địa phương hầu hết vi phạm tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 10, các hành vi này đềuthuộc thẩm quyền xử phạt tiền của Chủ tịch UBND cấp xã. Về biện pháp khắc phục hậu quả, Chủ tịch UBND các xã chỉ có thẩm quyền “buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm” mà không có thẩm quyền “buộc trả lại đất đã lấn, chiếm”. Trên thực tế, 2 vấn đề này tương đối giống nhau, nhưng do quy định của câu chữa mà nhiều địa phương không xử lý triệt để, hoặc đã có tình trạng các UBND cấp xã đùn đẩy trách nhiệm, không xử lý mà đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện xử lý hành vi nêu trên…
 

Đồng quan điểm này, nhiều địa phương khác cũng phản ánh Điều 10, Luật Đất đai 2013, đất đai được phân thành 3 nhóm: Đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp; và đất chưa sử dụng (gồm những loại đất chưa xác định được mục đích sử dụng, do UBND cấp xã quản lý). Song trên thực tế, loại đất chưa sử dụng do UBND cấp xã quản lý (phần lớn địa phương chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cụ thể) đang bị xâm phạm bởi nhiều lọai hành vi khác nhau.
 

Tại Điều 10, Nghị định 102 chỉ quy định hành vi lấn, chiếm các loại đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở và lấn, chiếm đất ở, mà không có quy định hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng do UBND xã quản lý. Do đó, khi có hành vi lấn chiếm đất do UBND xã quản lý, người có thẩm quyền khó lựa chọn chế tài để xử lý đối với hành vi này.
 

Sẽ nâng mức phạt hành chính
 

Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, Bộ TN&MT đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung như: Sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn khái niệm “chiếm đất”; bổ sung nội dung giải thích hành vi “hủy hoại đất”; bổ sung quy định việc xác định hành vi vi phạm đã kết thúc và các hành vi vi phạm đang diễn ra để xác định thời hiệu xử phạt trong lĩnh vực đất đai; bổ sung quy định về việc xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện từng hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai; quy định bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả trong các trường hợp khác nhau; bổ sung thêm quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất nông nghiệp khác, hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng; hành vi hủy hoại đất… Đặc biệt nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi để nâng cao hiệu quả xử phạt, có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm…
 

Cụ thể, bổ sung cụ thể hình thức xử phạt với hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng; lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất; lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở; lấn, chiếm đất; lấn chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ.
 

Bên cạnh đó, với mức phạt khi chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt Nghị định 102 chỉ phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng cho diện tích dưới 5ha tới trên 10ha, dự thảo sửa đổi đã quy định cụ thể hơn từ 1 ha - 10 ha với mức phạt từ 10 triệu đồng tới 500 triệu đồng.
 

Đối với chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm thì hình thức và mức xử phạt từ 500.000 - 5 triệu đồng cho vi phạm từ 0,5 ha đến hơn 3ha. Dự thảo đã nâng từ từ 2 triệu đồng đối với 20 triệu đồng. Với hành vi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt của Nghị định từ 1 triệu đến 10 triệu cho diện tích từ 0,5ha đến trên 3ha, dự thảo đã bổ sung, sửa đổi việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp, hình thức và mức xử phạt hành vi này từ 5 triệu tới 50 triệu đồng…

 

Theo baotainguyenmoitruong.vn

 

Ý kiến của bạn